Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó có 0,28 - 0,73 triệu tấn rác thải nhựa bị thải ra biển. Rác thải nhựa hiện nay chỉ được tái chế khoảng 27%. Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương có tỷ lệ rác thải nhựa đưa ra môi trường nhiều nhất.

Nhằm đẩy mạnh các hoạt động giảm rác thải nhựa trên địa bàn, thành phố Hà Nội đã có nhiều kế hoạch, chương trình cụ thể với sự vào cuộc của các quận, huyện, tổ chức, đoàn thể và người dân.

Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường trước “nạn” rác thải nhựa từ năm 2016. UBND quận phối hợp với các phường, hội phụ nữ, đoàn thanh niên thường xuyên tuyên truyền người dân nói không với các loại sản phẩm từ nhựa một lần, nhựa khó tiêu hủy. Các mô hình sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường ra đời.

Đặc biệt, quận Hoàn Kiếm đã triển khai Chương trình Giảm rác thải nhựa và kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa. Chương trình được thực hiện đồng bộ tại nhiều phường từ đó góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của tổ chức cá nhân. Tạo thói quen văn hóa ứng xử với rác như thế nào. Các loại rác phân tại nguồn và đưa vào kinh tế hoàn qua tái chế. 

Năm 2023, quận Hoàn Kiếm tiếp tục thực hiện Chương trình giảm rác thải nhựa và kinh tế tuần hoàn. Từ tháng 3 – 7/2023, trên địa bàn thu được 52 tấn rác thải nhựa trong đó 31 tấn được chuyển cho doanh nghiệp tái chế thành hạt nhựa tái sinh, 21 tấn chuyển đi xử lý làm năng lượng đốt lò xi măng.

Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Hà Nội cũng tích cực tuyên truyền, thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn, xử lý rác thải có thể phân huỷ và xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp ở từng địa phương. Các chi hội phụ nữ cơ sở đã triển khai nhiều mô hình giảm rác thải nhựa như phát làn nhựa đi chợ, tổ chức đổi phế liệu, xây dựng thùng rác từ thiện, thùng rác thân thiện với môi trường để thúc đẩy các hoạt động phân loại rác thải ngay từ đầu nguồn.

rac thai nhua.png
Hà Nội có nhiều giải pháp về rác thải nhựa. Ảnh: Khánh Chi. 

Công đoàn ngành y tế Hà Nội cũng tích cực tham gia phát động phong trào chống rác thải nhựa trong ngành y tế, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị có các giải pháp để thực hiện phù hợp với thực tế của đơn vị. Theo đó, các cơ sở y tế tuyên truyền vận động cán bộ công nhân viên không dùng rác thải nhựa, sử dụng cốc thủy tinh, bình thủy tinh thay thế chai nhựa. Các đơn vị cung cấp thực phẩm, thức ăn cho cơ sở y tế cũng phải cam kết không đưa sản phẩm dùng từ nhựa 1 lần vào bệnh viện cho người bệnh và thân nhân.

Các bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám đa khoa… trên địa bàn thành phố phải thực hiện thu gom, phân loại và xử lý chất thải, rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa ngay từ nơi phát sinh và tăng cường tái chế, xử lý chất thải y tế là nhựa đảm bảo theo đúng quy trình, quy định.

UBND thành phố Hà Nội cũng ban hành kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn đến năm 2025, thành phố yêu cầu tất cả các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước thuộc Thành phố thực hiện Kế hoạch cắt giảm sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần, khuyến khích phong trào: Nói không với túi ni lông khó phân hủy sử dụng một lần và hạn chế với sản phẩm nhựa khó phân hủy sử dụng một lần tại các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn thành phố.

Thành phố cũng đẩy mạnh công tác thu gom, phân loại rác thải nhựa từ nguồn và tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy trở thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường.

Thành phố Hà Nội tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm trong quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy. Tiếp nhận hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm thay thế và tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy.

Khánh Chi