Sáng 14/5, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp cùng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các xã, phường, thị trấn năm 2024.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Văn Quyến, trong năm 2023, công tác PCTT&TKCN trên địa bàn đã được triển khai toàn diện, có nhiều kết quả nổi bật. Công tác phòng ngừa, ứng phó đã được chuẩn bị, triển khai hiệu quả, nhanh chóng, giúp hạn chế thấp nhất thiệt hại do các loại hình thiên tai gây ra.

hoi nghi.jpg
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Văn Quyến phát biểu tại hội nghị.

Dù vậy, ngay từ những tháng đầu năm 2024, dù mới chuẩn bị bước vào mùa mưa bão nhưng Hà Nội đã trải qua nhiều đợt nắng nóng, mưa giông, lốc. Gần đây nhất có thể kể đến trận giông lốc vào tối ngày 20/4, khiến 56 nhà dân bị tốc mái, hơn 6.000 cây xanh, cây ăn quả, cây lấy gỗ bị gãy đổ…

Đáng lo ngại, diễn biến thiên tai từ nay đến cuối năm 2024 được nhận định sẽ còn rất phức tạp. 

Thông tin tại hội nghị, Trưởng phòng Dự báo (Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Đồng bằng và trung du Bắc Bộ) Đinh Hữu Dương cho biết, khu vực sẽ chịu ảnh hưởng của 2 - 3 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Nhiệt dộ trung bình cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1,5 độ C.

Trong năm, nắng nóng sẽ xảy ra nhiều hơn so với trung bình nhiều năm, tập trung từ tháng 6 - 8/2024. Toàn mùa có từ 6 - 8 đợt mưa lớn diện rộng. Khả năng sẽ xuất hiện từ 3 - 5 đợt lũ, trong đó có 1 - 3 đợt lũ lớn trên sông Đáy và các sông nội tỉnh. Đỉnh lũ dự kiến sẽ cao hơn so với năm 2023.

Bên cạnh tình hình và nhận định trên, Chi cục Thuỷ lợi và PCTT thông tin về một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm để ứng phó chủ động với sự cố thiên tai năm 2024.

cay xanh dinh hieu.jpeg
Công nhân Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cắt cây bật gốc trên đường vào tối 20/4

Đồng thời, các đại biểu cũng tập trung trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm hay, hiệu quả; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung trong thời gian tới nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đào Xuân Dũng cho biết, để tăng cường công tác chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và TKCN kịp thời, hiệu quả, ngày 4/5/2024, Ban đã ban hành Hướng dẫn số 148 về công tác tuyên truyền PCTT&TKCN năm 2024.

Theo đó, đề nghị các cấp uỷ, chính quyền cơ sở phải xác định nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, sự cố là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng, nhất là trong mùa mưa bão; huy động sức mạnh của toàn dân, sử dụng sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị để “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả” trong mọi tình huống.

Ông Đào Xuân Dũng cũng nhấn mạnh vai trò của công tác thông tin, tuyên truyền. Đề nghị cấp ủy, chính quyền cơ sở kết hợp tuyên truyền, vận động với phát hiện kịp thời, ngăn chặn và tham mưu kiên quyết xử lý có hiệu quả ngay tại cơ sở những hành vi vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Thủy lợi… từ khi mới phát sinh; đặc biệt là những địa phương, cơ quan, đơn vị ở ven đê.