Được xây dựng từ các tình tiết của những vụ án có thật, gắn với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, thời gian qua, tại Hà Tĩnh đã diễn ra những "Phiên tòa giả định" được xem là một trong những mô hình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả từ đó giúp nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật đối với người dân.
Trang bị kiến thức pháp luật...
Mới đây, tại xã Lâm Trung Thủy (huyện Đức Thọ) đã diễn ra “Phiên toà giả định” dựa trên một vụ án có thật, thông qua hình thức sân khấu hóa với nội dung xét xử “Cố ý gây thương tích” theo điều 134 Bộ luật hình sự” đối với 1 bị cáo.
Phiên tòa giả định gồm có Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký, Kiểm sát viên, người bào chữa, bị hại và người có liên quan, bị cáo,... với sự tham gia của người dân và cán bộ hội viên trên địa bàn huyện, đã tái hiện sinh động đúng quy trình tố tụng một phiên tòa; nêu bật được nội dung cần tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình và những quy định xử phạt hình sự đối với tội cố ý gây thương tích, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc gia đình.
Phiên toà này được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Hội LHPN huyện Đức Thọ tổ chức với mục đích trang bị và nâng cao kiến thức pháp luật cho chị em phụ nữ, nhất là trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới.
Thành công của “Phiên toà giả định” là đã làm “mềm hóa” những quy định của pháp luật, đưa các tình huống pháp lý đến gần hơn với tâm lý của người tham dự, giúp cán bộ, hội viên phụ nữ dễ hiểu, dễ nhớ đến các hành vi vi phạm của các “bị cáo” trong buổi xét xử, để từ đó tránh những vi phạm tương tự. Và phiên toà này đã thu hút được hơn 350 cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện tham gia.
Thông qua phiên tòa giả định, cán bộ, hội viên phụ nữ sẽ có điều kiện tiếp cận thực tiễn để nâng cao hiểu biết về pháp luật, đặc biệt trong việc phòng chống bạo lực trong gia đình, phát huy vai trò của phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em.
Và đây không phải là “Phiên toà giả định” được tổ chức đầu tiên. Trước đó, Hội LHPN huyện Đức Thọ cũng đã phối hợp với Phòng Tư pháp, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện tổ chức một “Phiên tòa giả định” tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình cho trên 300 cán bộ, hội viên hội phụ nữ trên địa bàn huyện.
“Phiên tòa giả định” cũng đã tái hiện một vụ án có thật qua đó chuyển tải thông điệp về phòng chống bạo lực trong gia đình, xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của bị hại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc gia đình, những quy định xử phạt hình sự đối với tội cố ý gây thương tích.
Không riêng gì hội LHPN, các cấp, các ngành ở Hà Tĩnh như ngành Giáo dục, Công an… thời gian qua cũng đã tổ chức các “Phiên toà giả định” tại các trường học, tại cộng đồng dân cư nhằm lồng ghép kiến thức pháp luật giúp các em học sinh, thầy cô giáo cũng như người dân nâng cao kiến thức pháp luật.
... giúp tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, cùng với các hình thức truyền thông, giáo dục pháp luật trực tiếp thì việc tổ chức các “Phiên toà giả định” cũng là một trong những hình thức tuyên truyền mới đang được các cấp, các ngành trong tỉnh chú trọng triển khai với nhiều nội dung, chủ đề phù hợp với từng địa phương, đơn vị nhằm góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Mới đây, một “Phiên tòa giả định” được các em học sinh Trường THPT Đức Thọ, đóng vai gồm có: Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Viện kiểm sát, Luật sư, thư ký, Công an, Bị hại và người có liên quan, bị cáo,... Phiên toà đã tái hiện một vụ án có thật, nhằm chuyển tải thông điệp về phòng chống bạo lực học đường và những quy định xử phạt hình sự đối với tội cố ý gây thương tích ở lứa tuổi vị thành niên.
Tại phiên toà, thay vì phải nhớ các điều khoản, quy định máy móc, khô khan, thì hàng trăm học sinh và giáo viên có mặt dự toà đã ghi nhớ luôn được các hành vi vi phạm thông qua các tình huống pháp lý được đưa ra từ vai diễn là 1 “bị cáo”
Phiên tòa giả định được tổ chức nhằm góp phần trang bị kiến thức pháp luật, đặc biệt tuyên truyền về nói không bạo lực học đường và những quy định xử phạt hình sự đối với tội cố ý gây thương tích ở lứa tuổi vị thành niên.
Sau khi phiên tòa kết thúc, các em học sinh còn được tiếp thu thêm những kiến thức, quy định của pháp luật về các hành vi cố ý gây thương tích, cố ý làm nhục người khác,...
Nhiều học sinh cho biết, thông qua “Phiên toà giả định” như thế này đã giúp các em dễ dàng tiếp cận kiến thức pháp luật; thông qua các tình huống thực tế tại phiên toà giúp các em hiểu rõ hơn các quy định từ đó tránh được các hành vi vi phạm pháp luật.
Theo đánh giá của cơ quan Tư pháp, các “Phiên toà giả định” trở thành một trong những công cụ, phương tiện thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật đến với học sinh và người dân một cách gần gũi, thiết thực nhất; góp phần giáo dục cho người dân và học sinh tinh thần thượng tôn pháp luật, tránh xa những tai tệ nạn xã hội, phòng chống bạo lực học đường, phòng chống bạo lực và thực hiện bình đẳng giới. Đây cũng là một trong những công cụ giúp người dân tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật hiện nay.