Chia sẻ những thành quả nổi bật về Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM Hà Tĩnh đạt được trong chặng đường 10 năm qua, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM Hà Tĩnh cho hay, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong chặng đường 10 năm qua ở Hà Tĩnh đã đạt được thành tựu nổi bật, toàn diện, nông thôn có sự thay đổi lớn cả về lượng và chất, có ý nghĩa lịch sử, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh với tốc độ khá nhanh và có tính bền vững cao.
Hà Tĩnh quyết tâm cán đích tỉnh nông thôn mới trước năm 2025. |
Đến nay, các chỉ tiêu về xây dựng NTM đều đạt trước thời hạn 2,5 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2020, đã có 201 xã đạt chuẩn (chiếm 88% tổng số xã); 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 3 huyện có 100% số xã đạt chuẩn NTM; tỷ lệ hộ nghèo còn 5,82%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 30,5 triệu đồng (năm 2010 đạt 12,7 triệu đồng, năm 2015 đạt 20 triệu đồng).
Đời sống nhiều mặt của người nông dân từng bước được cải thiện và nâng cao, bộ mặt nông thôn nhiều địa phương thực sự khởi sắc. Xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu trở thành phong trào thiết thực, lan tỏa rộng khắp, hình thành những vùng quê “trù phú - an lành”, xanh - sạch - đẹp, đáng sống hơn, góp phần xây dựng NTM bền vững.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tập trung chỉ đạo và có những thành công bước đầu, tạo sức lan tỏa rộng rãi; các sản phẩm tham gia chương trình phát triển tốt và có nhiều chuyển biến rõ rệt về chất lượng, mẫu mã, hệ thống nhận diện thương hiệu... Đã có trên 140 sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất đăng ký tham gia Chương trình.
Hà Tĩnh thực hiện xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu với các nội dung thực hiện ở cấp thôn, tạo động lực rất lớn, huy động được nguồn lực cũng như sự sáng tạo của người dân và cộng đồng dân cư tham gia, bởi lợi ích thiết thực mang lại gắn với người dân, bất kể gia đình, thôn xóm nào cũng có thể thực hiện được. Chính vì vậy, huy động được tối đa sự vào cuộc của người dân, từ đó quyền chủ thể của người dân và cộng đồng dân cư được phát huy một cách cao nhất.
Việc tổ chức đánh giá lại các xã đã đạt chuẩn thể hiện sự nghiêm túc trong lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng các xã đạt chuẩn NTM, mang lại cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn cho người dân.
Phấn đấu đạt tỉnh NTM trước năm 2025, Hà Tĩnh dự thảo bộ tiêu chí tỉnh đạt chuẩn NTM với một số nội dung chủ yếu như: 100% số huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; có huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; tối thiểu 30% tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có tối thiểu 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Bên cạnh đó là hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối từ tỉnh đến xã và kết nối trong khu vực; Bệnh viện Đa khoa tỉnh đạt hạng I, các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh đạt hạng 3 trở lên, có kết nối liên thông giữa các tuyến từ cấp huyện đến tỉnh và một số bệnh viện Trung ương; có các vùng sản xuất hàng hóa tập trung các sản phẩm chủ lực của tỉnh, có nhà máy chế biến nông sản chủ lực của tỉnh, mỗi xã có ít nhất một sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, mỗi huyện có sản phẩm đặc trưng đạt 4 sao, toàn tỉnh có tối thiểu 50 sản phẩm đạt 4 sao và có sản phẩm đạt 5 sao; thu nhập bình quân đầu người tối thiểu bằng 1,2 lần so với thu nhập bình quân đầu người khu vực Bắc Trung Bộ; tỷ lệ hộ nghèo dưới 2% (trừ các đối tượng BTXH, tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%); chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt tối thiểu 60 điểm trở lên; chỉ số hài lòng người dân (SIPAS) đạt trên 90%...
Diệu Thúy
Ảnh: V. Điệp