Hà Tĩnh là một tỉnh ven biển thuộc khu vực Bắc Trung bộ, với bờ biển dài 137km, nguồn lợi thủy sản dồi dào, có ngư trường rộng lớn để phát triển ngành khai thác, đánh bắt, chế biến hải sản và nhiều bãi biển đẹp thích hợp cho phát triển du lịch. 

anh thay mois.jpg
Hà Tĩnh có nguồn lợi thủy sản dồi dào để phát triển ngành khai thác, đánh bắt hải sản.

Với tiềm năng, thế mạnh đó, mới đây tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả; ô nhiễm môi trường biển được ngăn ngừa, kiểm soát, giảm thiểu đáng kể; đa dạng sinh học biển, ven biển được bảo vệ, duy trì và phục hồi; tác động của thiên tai được hạn chế thấp nhất có thể, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Cụ thể, đến năm 2030, các đô thị ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu kinh tế và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về môi trường và sức tải môi trường biển, khả năng phục hồi, chống chịu của hệ sinh thái biển, đảo.

Bên cạnh đó là việc quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; khu vực thuỷ sản con non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thuỷ sản, đường di cư của các loài thuỷ sản…; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000.

Ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng dựa vào sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo cùng với năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu và tác động của nước biển dâng được tăng cường.

Tầm nhìn đến năm 2050, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả trên nền tảng tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học biển được bảo tồn, môi trường biển và các hải đảo trong lành, xã hội hài hoà với thiên nhiên.

Các giải pháp được đề ra để thực hiện các mục tiêu này bao gồm khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo thông qua việc ưu tiên bố trí không gian biển cho các hoạt động phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; du lịch văn hóa; phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, khai thác thủy sản, bảo tồn nguồn lợi thủy sản nhằm mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,0 - 4,0%/năm; phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới thân thiện môi trường; xác định các khu vực có thể nhận chìm ở vùng biển Hà Tĩnh quản lý trong trường hợp các vật liệu nạo vét không đổ được trên bờ…

Cùng với đó là việc bảo vệ môi trường biển và hải đảo thông qua việc thực hiện định kỳ công tác điều tra, thống kê, phân loại, quan trắc và đánh giá các loại hình ô nhiễm, tình trạng ô nhiễm, nguồn gây ô nhiễm môi trường biển. Đẩy mạnh điều tra, đánh giá sức chịu tải môi trường, xác định cấp độ rủi ro ô nhiễm môi trường biển cho phát triển kinh tế biển; phân vùng rủi ro và lập bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển; công bố các khu vực biển, hải đảo vượt sức chịu tải môi trường. Đến năm 2025, hoàn thành lập bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm và đánh giá sức chịu tải môi trường tại một số vùng rủi ro ô nhiễm cao ở vùng biển ven bờ.

Kế hoạch cũng đặt ra yêu cầu đẩy mạnh điều tra, đánh giá và xác định mức độ dễ bị tổn thương, tính nguy cấp của các loài sinh vật biển đặc hữu, có giá trị khoa học và kinh tế để đưa ra các phương án, giải pháp bảo vệ, bảo tồn và phục hồi; thiết lập, mở rộng và tăng cường năng lực quản lý các khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non sinh sống và đường di cư của các loài thủy sản. Đến năm 2030, 50% diện tích vùng biển ven bờ được xác định là các khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản và quản lý hiệu quả.

Ngoài ra, vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi biển và hải đảo qua việc đẩy mạnh điều tra, đánh giá và xác định mức độ dễ bị tổn thương, tính nguy cấp của các loài sinh vật biển đặc hữu, có giá trị khoa học và kinh tế để đưa ra các phương án, giải pháp bảo vệ, bảo tồn và phục hồi; thiết lập, mở rộng và tăng cường năng lực quản lý các khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non sinh sống và đường di cư của các loài thủy sản. 

Tăng cường năng lực giám sát biến đổi khí hậu, dự báo, cảnh báo, hệ thống truyền tin cảnh báo sớm rủi ro trên biển và vùng ven biển để chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu; định kỳ cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng. 

Hoài Thanh và nhóm PV, BTV