Thanh Hóa có chiều dài bờ biển 102 km và 2 đảo lớn là Hòn Nẹ và cụm đảo Hòn Mê. Hệ sinh thái ven biển đa dạng với năng suất sinh học cao, nguồn lợi hải sản phong phú. Trữ lượng hải sản ở vùng biển Thanh Hóa ước tính khoảng 140.000 tấn và khả năng khai thác bền vững tối đa 56.000 tấn/năm. Thanh Hóa luôn chú trọng việc phát triển kinh tế biển đi đôi với bảo vệ môi trường biển, đảo.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã phối hợp với các đơn vị trong tỉnh thực hiện nhiều giải pháp về công tác môi trường biển đảo nhằm phát triển bền vững tài nguyên biển, hải đảo trong tỉnh. 

Theo đó, Chi cục Biển và Hải đảo, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường tuyên truyền về các chính sách, luật pháp quy định bảo vệ môi trường biển. Qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Người dân sinh sống ven biển đã có nhận thức đúng đắn về vai trò của biển, hải đảo và tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường biển, đảo.

bien dao.png
Du khách tham quan tại Sầm Sơn, Thanh Hóa. 

Hằng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, ngày Đại dương thế giới, Ngày Môi trường thế giới. Năm 2023, Thanh Hóa triển khai Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) giải pháp cho ô nhiễm nhựa” gắn với chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” nhằm truyền tải mạnh mẽ thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu.. Qua đó, Thanh Hóa sẽ thúc đẩy các hành động của cộng đồng, cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh về công tác bảo vệ môi trường. 

Sở cũng phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, rác thải nhựa. Tại các vùng ven biển và trên các đảo tổ chức các hoạt động ra quân làm sạch bờ biển, dọn vệ sinh môi trường tại các khu vực bờ kè biển, khu du lịch biển, khu neo đậu, cảng cá, chợ đầu mối ven biển; tổ chức trồng cây xanh chống xói lở bờ biển...

Ngoài ra, hằng năm Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện quan trắc tổng hợp môi trường biển, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển. Tập trung khảo sát tại các địa điểm cửa sông, cảng biển, cảng cá, neo đậu tránh bão, các khu hậu cần nghề cá, khu nuôi trồng thủy hải sản tại các huyện, thị xã, thành phố ven biển. 

Đối với các Khu du lịch Sầm Sơn, TP Sầm Sơn, Khu du lịch Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn, Khu du lịch Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa sẽ thực hiện quan trắc một năm 2 – 3 lần trước – giữa – sau mùa du lịch. Từ đó, các cơ quan sẽ nắm được hiện trạng, xu hướng, diễn biến chất lượng môi trường biển. Nếu có bất thường sẽ đưa ra giải pháp xử lý ngay lập tức. 

Thanh Hóa cũng xác định việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng nhằm phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đảm bảo hiệu quả bền vững hài hòa giữa lợi ích phát triển và bảo tồn. Thanh Hóa cũng chú trọng công tác trồng rừng ngập mặn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, từ năm 2015 đến nay triển khai trồng mới hơn 700ha rừng ngập mặn, chủ yếu tập trung tại các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc và Hoằng Hóa và trồng bổ sung thêm 300ha tại huyện Hậu Lộc và Nga Sơn.

Ngoài trồng mới, Thanh Hóa cũng tập trung tuyên truyền vận động cộng đồng chung tay quản lý rừng ngập mặn, chống xói lở bờ biển và nước biển dâng. Đẩy mạnh việc giao, khoán bảo vệ rừng cho các thành phần kinh tế, cộng đồng và các hộ gia đình để bảo vệ và phát triển rừng ven biển.

Anh Duy và nhóm PV, BTV