“Con trai lớn của tôi được xuất viện hôm qua. Con trai út đã mở mắt, cử động được hai tay. Gia đình, làng xóm không ai tin hai đứa có thể sống sót vì không có thuốc giải độc botulinum”, ông Lê Minh Tiến chia sẻ.
Ông Tiến là cha của hai bệnh nhân (26 tuổi và 18 tuổi) ngộ độc botulinum hồi tháng 5 vừa qua tại TP.HCM. Sau 3 tuần được điều trị tích cực tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, hai anh em có sinh hiệu ổn định nhưng phụ thuộc thở máy.
Người em có tình trạng nặng hơn, gọi biết nhưng không thực hiện được y lệnh hay vận động đơn giản. Sau đó, 2 bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang điều trị lâu dài.
Ông Tiến cho hay, sau hơn 3 tháng ở Hậu Giang, người con 26 tuổi đã được xuất viện, sinh hoạt, ăn uống và đi lại như bình thường. Trong khi đó, người em đã mở mắt, cử động được trong 4 ngày qua. Bệnh nhân ăn cháo nhưng chưa thể nói chuyện, vẫn được theo dõi tại phòng hồi sức.
“Thực sự tôi không ngờ con sống được. Khi chuyển từ Bệnh viện Chợ Rẫy về đây, cháu nằm như khúc gỗ, không cử động nhúc nhích hay biết gì cả. Có lúc bác sĩ và gia đình tưởng mất con rồi, phải chuẩn bị hậu sự cho cả hai đứa.
Tôi gửi gắm hết vào các bác sĩ, rồi cầu xin trời Phật. Vài hôm sau, cháu mở mắt nhưng không biết gì cả. Rồi dần dần, con cử động một ngón tay rồi cả bàn tay và hai tay. Tôi mừng lắm và gọi điện thoại báo tin cho các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, ai cũng mừng. Đúng là kỳ tích”, ông Tiến xúc động kể.
Người cha cho hay con trai 26 tuổi làm nghề vá vỏ xe ô tô trên TP.HCM rồi gọi em út 18 tuổi lên làm cùng. Chỉ vài tháng sau, tai nạn xảy ra. "Hai đứa mua cây chả lụa 30.000 đồng ăn với bánh mì, ăn xong thì có triệu chứng rồi nhập viện", ông Tiến nói.
Thời điểm đó (15/5), cả hai anh em được điều trị Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM với chẩn đoán ngộ độc botulinum. Tuy nhiên, do không có thuốc giải độc đặc hiệu nên người bệnh phải thở máy kéo dài.
Đến ngày 24/5, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận được thuốc giải BAT viện trợ từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhưng đã quá thời gian dùng thuốc hiệu quả nhất. Sau 3 tuần điều trị, tình hình vẫn không khá hơn. Các bác sĩ cố gắng mở khí quản sớm, ngăn ngừa nhiễm trùng, chống huyết khối, hỗ trợ dinh dưỡng... Người em 18 tuổi liệt cơ hoàn toàn, không có bảo hiểm y tế. Chi phí điều trị lên đến 300 triệu đồng.
Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy đã trực tiếp liên hệ với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang. Cơ quan này đã hỗ trợ thẻ Bảo hiểm y tế cho người em ngay sau đó 2 giờ, giải quyết được gánh nặng viện phí cho gia đình. Các nhà hảo tâm cũng đã hỗ trợ cho hai bệnh nhân 130 triệu đồng.
"Nhận tin hai em hồi phục ngoạn mục, tôi xúc động và mừng cho gia đình. Thời gian qua, người làm cha mẹ như anh Tiến có lẽ đã rất khổ sở. Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục đồng hành cùng gia đình bệnh nhân", anh Hiển chia sẻ với VietNamNet.
Trước đó, vào giữa tháng 5, TP.HCM liên tiếp ghi nhận 6 bệnh nhân ngộ độc botulinum gồm 3 trẻ em và 3 người lớn. Nhóm 3 trẻ em ngộ độc botulinum điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, kịp thời truyền 2 lọ thuốc giải độc cuối cùng lúc bấy giờ. Các em đã xuất viện.
Tối 24/5, lô thuốc giải độc BAT được WHO viện trợ về đến TP.HCM. Tuy nhiên, một bệnh nhân 45 tuổi đã tử vong sau hơn 10 ngày điều trị mà không kịp truyền thuốc giải. Hai trường hợp còn lại là anh em ruột phải thở máy kéo dài, không có chỉ định dùng thuốc do quá thời gian.
Trẻ ngộ độc botulinum ở TP.HCM ăn gì trước khi nhập viện?
Lý do 2 bệnh nhân ở Chợ Rẫy không thể dùng thuốc giải độc botulinum