Ngày 20/5, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết nơi đây đang điều trị cho 2 anh em ruột nghi nhiễm độc tố botulinum. Trong đó, người anh 26 tuổi nhập viện trước, người em 18 tuổi được chuyển từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM sang.
Cùng thời điểm, một người đàn ông 45 tuổi khác bị nghi nhiễm botulinum cũng đang được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
“Chùm ca nghi ngộ độc botulinum lần này nằm rải rác tại 3 bệnh viện trên địa bàn thành phố, nối tiếp ngay sau chùm 3 trẻ nhỏ ngộ độc vừa qua. Qua hội chẩn, các bệnh viện thống nhất chẩn đoán nghi ngờ bệnh nhân nhiễm độc botulinum”, bác sĩ Hùng nói.
Khai thác thông tin ghi nhận, các bệnh nhân đều ngụ tại TP Thủ Đức, TP.HCM. Ngày 13/5, hai anh em ruột ăn bánh mì kẹp chả lụa mua từ người bán dạo. Người đàn ông 45 tuổi ăn một loại mắm để lâu ngày.
Các triệu chứng khởi phát sau một ngày tiếp xúc với nguồn thức ăn nghi ngờ nhiễm độc. Cả 3 người đều có triệu chứng rối loạn đường tiêu hóa như đau bụng, mệt mỏi, choáng váng, tiêu chảy.
Đến ngày 15/5, các triệu chứng nhiều hơn, xuất hiện yếu cơ, nhìn đôi, khó nuốt. Thanh niên 18 tuổi có thay đổi sớm nhất và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Bệnh nhân 45 tuổi nhập Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Người anh 26 tuổi triệu chứng nhẹ hơn và vào Bệnh viện Chợ Rẫy.
Hiện nay, bệnh nhân 18 tuổi và 45 tuổi đang phải thở máy, liệt cơ, sức cơ 1/5. Bệnh nhân 26 tuổi có thể hoạt động, tự thở được, sức có 3/5-4/5. Tuy nhiên, nhiều khả năng sẽ diễn tiến đến nguy cơ phải thở máy trong những ngày tới.
Theo bác sĩ Hùng, sau khi cấy mẫu phân của bệnh nhân 45 tuổi và thực hiện xét nghiệm PCR, kết quả cho thấy có sự hiện diện của độc tố botulinum type A. “Như vậy, hơn 90% khả năng các trường hợp này ngộ độc botulinum có nguồn gốc từ thức ăn”, bác sĩ Hùng chia sẻ.
Đáng chú ý, lúc này TP.HCM và cả nước đã cạn thuốc giải độc tố botulinum. Hai lọ giải độc BAT cuối cùng đã dùng cho 3 bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 2 vào ngày 16/5. Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy điều phối thuốc giải có giá 8.000 USD/lọ này ra Quảng Nam để cứu bệnh nhân ngộ độc sau ăn món cá chép muối ủ chua.
Theo bác sĩ Hùng, thuốc BAT giải độc đặc hiệu là vấn đề rất đáng tiếc cho bệnh nhân và nan giải với các bác sĩ điều trị. Nếu được sử dụng thuốc BAT sớm, bệnh nhân ngộ độc botulinum có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt trong 48 đến 72 giờ, không phải thở máy.
Trong trường hợp không có thuốc giải, bác sĩ chỉ có thể điều trị hỗ trợ bằng nuôi dưỡng và thở máy. Kinh nghiệm cho thấy, thời gian điều trị của bệnh nhân ngộ độc botulinum không có thuốc giải sẽ kéo dài nhiều tháng trời, nhiều biến chứng xảy ra như nhiễm trùng, suy dinh dưỡng do thở máy kéo dài, liệt…
Trước đó, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đã đề xuất cần có trung tâm lưu trữ thuốc hiếm cấp quốc gia, do Bộ Y tế quản lý. Theo ông Thức, cho đến nay, việc cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân ngộ độc cần thuốc hiếm còn mang tính cá biệt.