Ông Phạm Văn Sinh - Phó Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất (Bộ GD-ĐT) cho hay Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được triển khai thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn I: Huy động 1 triệu máy tính bảng để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội (Các doanh nghiệp thuộc khối viễn thông 100.000 máy; các ngân hàng thương mại 100.000 máy; các doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp 100.000 máy; ngành Giáo dục 200.000 máy; Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam 400.000 máy; TP.HCM 100.000 máy).
Giai đoạn II: Từ năm 2022-2023, tiếp tục phát động để 100% học sinh có hoàn cảnh khó khăn được trang bị máy tính để học trực tuyến, qua đó thúc đẩy phát triển xã hội số.
Về tình hình triển khai thực hiện tiếp nhận và phân bổ tiền, máy tính bảng, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết trong giai đoạn I, Bộ GD-ĐT đã tiếp nhận máy tính và tiền, phân bổ cho các địa phương để trao cho học sinh.
Cụ thể, phân bổ được 92.629 máy tính bảng từ nguồn hỗ trợ của các doanh nghiệp viễn thông cho học sinh của 24 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16.
Tiếp nhận và phân bổ tiền cho 17 tỉnh để các địa phương chủ động tổ chức mua sắm, kịp thời bàn giao cho học sinh, số tiền 513 tỷ đồng (tương ứng với 205.200 máy tính bảng).
Trong đó: Khối các ngân hàng 250 tỷ (100.000 máy); khối các doanh nghiệp thuộc Uỷ ban quản lý vốn nhà nước 250 tỷ đồng (100.000 máy); huy động ở Bộ GD-ĐT 13 tỷ đồng (tương đương 5.200 máy). Đến thời điểm hiện tại, cơ bản các địa phương đã triển khai việc mua sắm và bàn giao cho học sinh phục vụ học tập.
Bộ GD-ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã huy động trong toàn ngành Giáo dục được 179,65 tỷ đồng (71.860 máy); trong đó 35.639 máy tính và máy tính bảng; 33.970 điện thoại thông minh và 104.778 thiết bị khác. Đến nay toàn bộ thiết bị huy động được tại các địa phương đã trao ngay cho học sinh, huy động bằng tiền cơ bản đã mua sắm xong.
TP.HCM cam kết tài trợ 100.000 máy tính bảng, hiện đã tài trợ 72.000 máy cho học sinh của địa bàn, còn lại 28.000 máy đang huy động để gửi về Bộ GD-ĐT phân bổ cho địa phương khác.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ GD-ĐT, số 400.000 máy tính bảng từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam chưa triển khai thực hiện.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho hay 400.000 máy tính bảng từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam chưa triển khai thực hiện, song mục tiêu ban đầu của việc huy động nhằm để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình dịch Covid-19 không còn như giai đoạn trước, xã hội trở lại trạng thái bình thường, Bộ TT&TT và Bộ GD-ĐT đang tính đến phương án báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin “chuyển hướng” để dùng số tiền ngân sách tính mua 400.000 máy tính bảng theo tính toán ban đầu đúng tôn chỉ mục đích của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích.
Số tiền này vẫn sẽ dùng để mua và tặng điện thoại thông minh hỗ trợ học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo học tập. Theo dự kiến của Bộ TT&TT, thay vì 400.000 máy tính bảng có thể có tối đa 1 triệu điện thoại thông minh cho học sinh thụ hưởng.
“Với hướng này, chúng ta có thể tặng máy tới nhiều học sinh hơn. Các học sinh vẫn có thể dùng để hỗ trợ học tập và các hộ gia đình vẫn có thể sử dụng”, Thứ trưởng Long nói.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cũng cho hay Bộ GD-ĐT sẽ có các cuộc họp với Bộ TT&TT để bàn kỹ hơn về phương án này.
Tuy nhiên, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng trong trường hợp theo hướng này, cần tính toán đưa ra các tiêu chuẩn, tiêu chí về độ lớn màn hình, cấu hình điện thoại... đảm bảo an toàn về mắt, chất lượng trong quá trình học sinh sử dụng.
Tại buổi làm việc, đại diện Bộ TT&TT cũng cho biết sẽ tiếp tục kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và cá nhân hỗ trợ, thực hiện Giai đoạn II của Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
Mục đích để tất cả học sinh hoàn cảnh khó khăn có máy tính để học tập, có cơ hội tiếp cận với phương pháp học tập mới, góp phần tạo nên công bằng trong giáo dục.