Xem video:
Khổng lồ
Di chuyển trên quốc lộ 20 đoạn đi qua xã Đinh Trang Hòa (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) khách lạ luôn bị hai cây điệp khổng lồ mọc ở một bên đường thu hút. Trông từ xa, vòm lá của 2 cây điệp như cây nấm khổng lồ có màu xanh đậm.
Gốc 2 cây này to lớn, chục người ôm không xuể. Thân cây không mọc thẳng đứng một mình mà chia thành nhiều thân phụ sau khi vươn khỏi mặt đất khoảng 2m. Các thân phụ này chia cành, nhánh tạo thành tán lá sum suê, um tùm xanh ngắt, tỏa bóng mát khắp một khu đất rộng vài trăm m2.
Đặc biệt, những nhánh khổng lồ của 2 cây điệp vươn xa, phủ bóng qua bên kia đường quốc lộ 20. Người, xe di chuyển dưới tán cây hệt như đang đi xuyên qua đoạn đường có mái vòm bằng lá xanh mát.
Người dân địa phương cho biết, hai cây điệp đã tồn tại nơi đây từ rất lâu, không ai biết chính xác tuổi của chúng. Các bậc cao niên đoán định, cây đã ngoài trăm tuổi. Có người khẳng định, cây được trồng từ thời Pháp thuộc.
Anh Đào Văn Khiên (53 tuổi, xã Đinh Trang Hòa), có nhà dưới gốc cây điệp khổng lồ cho biết, anh theo gia đình vào đất này sinh sống từ khi mới 8 tuổi. Lúc ấy, anh đã thấy 2 cây điệp sừng sững, tỏa bóng mát rợp trời phía trước nhà mình.
“Lúc đó, khu vực này còn nhiều rừng, cây lớn. Tuy nhiên, không có cây nào tán rộng, xanh mát như 2 cây điệp này. Lúc còn nhỏ, tôi thường cùng chúng bạn chơi đùa dưới gốc cây. Cha mẹ tôi đoán, cây được người Pháp trồng từ những năm 1920”, anh Khiên chia sẻ.
Đồng quan điểm, một người dân khác ở đây cho rằng xưa kia, 2 cây điệp này được người Pháp trồng trên con đường dẫn vào thôn làng, nơi phu trồng trà, cà phê sinh sống.
“Hai cây được xem như cổng làng bằng cây khổng lồ. Hiện, con đường này là trục đường chính dẫn vào thôn 5B của xã”, người này nói thêm.
Cũng theo người này, do hai cây điệp quá ấn tượng, xóm dân này cũng tự nhiên mang tên xóm Hai Cây Điệp. Thậm chí, hàng quán, tiệm tạp hóa… tại đây cũng treo bảng Cây Điệp để làm “thương hiệu”, quảng bá cho mình.
Nổi tiếng linh thiêng
Không chỉ có thân, cành, tán lá khổng lồ, hai cây điệp mang nhiều chuyện tâm linh khiến người dân địa phương tôn kính, không dám mạo phạm. Anh Khiên kể, một người thân của anh từng gặp chuyện kỳ lạ khi vô tình chặt một cành cây điệp phạm vào nhà mình.
Anh kể: “Chuyện xảy ra khi đường quốc lộ 20 trước nhà tôi còn là đường đất đỏ. Năm đó, anh trai tôi vô tình chặt một nhánh của cây điệp. Sau khi chặt xong, anh tôi về nhà tắm rửa. Nhưng tắm xong, bỗng nhiên anh có những biểu hiện kỳ lạ”.
“Mỗi khi trời mưa xong, anh lại chạy ra vũng sình ngoài đường nằm như trâu đầm. Thấy vậy mẹ tôi phải làm lễ khấn, anh mới trở lại bình thường. Sau này mỗi khi gia đình tôi sửa, xây nhà mà vướng cành cây điệp, chúng tôi đều làm lễ khấn, xin mới dám chặt, cắt, cưa đi”, anh kể thêm.
Sau này, cha mẹ anh Khiên dựng ngôi miếu nhỏ ngay dưới gốc cây điệp. Miếu là nơi người dân tỏ lòng tôn kính, tin tưởng vào sự linh thiêng của 2 cụ điệp khổng lồ. Nơi đây cũng là điểm thờ những vong linh không nơi nương tựa.
Từ khi có miếu, nhiều người khi đi ngang qua đều dừng xe, mua hoa trái thắp nhang ở ngôi miếu dưới gốc cây. Thậm chí nhiều người đi du lịch qua cũng ghé thăm cây rồi thắp nhang ở miếu nhỏ, cảm ơn cây đã tỏa bóng xanh mát.
Theo anh Khiên, thời chống Mỹ, khu vực thôn 5B bây giờ là là sân bay của lính Mỹ. Vì vậy, xe ô tô, máy bay, binh lính thường xuyên ra vào, đi qua dưới tán 2 cây điệp khổng lồ. Khu vực này cũng thường xảy ra các trận giao tranh ác liệt.
Tuy vậy, hai cây điệp lại không hề bị hư hại, thậm chí chưa một lần trúng bom đạn, gãy đổ bất cứ nhánh nào. Điều này càng khiến người dân cảm thấy kỳ lạ và tin hơn vào sự linh thiêng của 2 cụ điệp khổng lồ.
Ngoài ra, người dân địa phương cũng khẳng định, từ trước đến nay chưa từng thấy cành cây điệp gãy, đổ vì mưa bão. Anh Khiên nói: “Cây lớn, tán rộng như thế mà 2 cụ điệp cũng chưa từng bị gió bão quật ngã hay tàn phá”.
“Năm 1982, địa phương hứng chịu cơn bão lớn, gió rất mạnh. Thế mà 2 cây điệp chẳng hề hấn gì. Có chăng cũng chỉ rụng ít lá, gãy mấy cành nhỏ xíu”, anh nói thêm.
Đặc biệt, các cành, nhánh của 2 hai cây điệp mọc vươn xa, vắt ngang một đoạn đường quốc lộ 20. Tuy nhiên, chúng cây chưa bao giờ gãy, rơi xuống lòng đường, gây tai nạn cho người tham gia giao thông.
Hiện nay, 2 cây điệp vẫn sinh trưởng tốt, cành lá sum suê, rợp bóng một vùng. Dưới tán cây là nơi nghỉ mát, tận hưởng không khí trong lành của người dân, khách du lịch trên đường lên TP.Đà Lạt nghỉ dưỡng.