Nhà văn - nhà báo Michael Lewis được quyền tiếp cận không giới hạn với cựu tỷ phú Sam Bankman-Fried (còn được gọi là SBF hoặc Sam “xoăn”) - người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX trong quá trình viết cuốn sách Đi về vô cực: Sự trỗi dậy và sụp đổ của một ông trùm mới. 

Cựu tỷ phú Sam Bankman-Fried. Ảnh: FTX

Ngoại lệ dành cho nhà văn

Tác giả người Mỹ kể: “Có hai điều kỳ dị khi tôi viết cuốn sách này. Một là, anh ta để tôi xem mọi thứ. Khi tất cả sụp đổ vào tháng 11/2022, chỉ còn tôi, bố mẹ anh ta và bác sĩ trị liệu. Tôi có thể lang thang bao lâu tùy thích, xem bất cứ thứ gì tôi muốn”. 

“Và đây là thứ kỳ dị khác. Anh ta chưa bao giờ tìm cách kiểm soát bất cứ điều gì tôi nghĩ, bất cứ điều gì tôi có thể viết, thậm chí còn chưa bao giờ hỏi: ông đang làm gì vậy? Sam cho phép tôi tự do, một sự tự do thực sự khác thường, đặc biệt trong hoàn cảnh này”.

Michael Lewis là tác giả của những cuốn sách bán chạy như The Big Short Flash Boys. Ông sẽ kể câu chuyện về Sam Bankman-Fried - cựu tỷ phú bị buộc tội lừa đảo trong tác phẩm tiếp theo của mình.

Cuốn sách dự kiến xuất bản vào ngày 3/10. Nhà xuất bản Penguin Press mô tả đây là câu chuyện có khả năng bùng nổ cao về nhân vật bí ẩn ở trung tâm của một trong những vụ sụp đổ tài chính ngoạn mục nhất thế kỷ 21.

Lewis biết Sam trong thời gian anh đang trên đà trở nên giàu có. “Cuốn sách này ra đời theo một cách khác thường: Tôi không đi tìm Sam và Sam cũng không đi tìm tôi”, tác giả nói với Guardian.

“Một người bạn đến gặp và nói: Tôi đang nghĩ đến việc thực hiện thương vụ kinh doanh lớn với một người mà mình không biết - tên là Sam Bankman-Fried. Anh ấy 29 tuổi và có 23 tỷ USD… Tôi đã thấy anh tìm ra bản chất của những người khác, hãy tìm hiểu về Sam giúp tôi”. 

Lewis đồng ý. Sam đến nhà Lewis và cả hai cùng đi bộ suốt quãng đường dài. 

“Khi kết thúc chuyến đi bộ, tôi quay sang nói: 'Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra với anh và cũng chẳng biết câu chuyện đi đến đâu'. Tôi muốn trở thành người được nghe mọi chuyện và anh ta nói đồng ý. Cho đến nay, Sam không bao giờ hạn chế quyền tiếp cận của tôi", Lewis nói. 

“Sam Bankman-Fried từng có hàng tỷ đô la, bây giờ thì chẳng còn gì. Và vẫn không ai thực sự hiểu anh ta”, Tom Penn, biên tập viên của Lewis tại Penguin Press cho biết. 

“Không ai, ngoại trừ Michael Lewis, người đã ở bên cạnh anh ta khi mọi chuyện xảy ra, là người dẫn dắt chúng ta đi sâu vào tâm trí, thế giới của một nhân vật mà sự thăng trầm diễn ra trong thời đại nhanh đến mức chóng mặt và mất phương hướng”. 

Sam cùng với cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và cựu Thủ tướng Anh Tony Blair tại sự kiện Crypto Bahamas. Ảnh: NYPost

Tỷ phú xây ‘đế chế trên cát’

“Sự sụp đổ ngoạn mục của FTX phơi bày thế giới kỳ quái của một đế chế được xây dựng trên cát”, tờ Telegraph nhận xét. 

Tháng 5/2019, Sam - cử nhân Viện Công nghệ Massachusetts, con của 2 vị giáo sư trường luật Stanford - lập sàn giao dịch tiền số FTX. Hai năm sau, anh trở thành tỷ phú khi chưa tới 30 tuổi với định giá tài sản ngày càng gia tăng lên tới 20 tỷ USD. Có lúc, Sam đã cân nhắc việc trả toàn bộ khoản nợ quốc gia của Bahamas để có thể kinh doanh ở đó. 

Sự thành công thần tốc giúp tỷ phú trẻ có cơ hội tiếp cận với nhiều chính trị gia, vung tiền tổ chức những sự kiện hoành tráng. Anh sống cùng khoảng 10 cộng sự thân tín trong căn penthouse 30 triệu USD ở Bahamas. Tuy nhiên, Sam vẫn giữ nếp sinh hoạt xuề xòa, thường xuyên để tóc xoăn bù xù, mặc áo phông quần short khi đi làm, xuất hiện ở các sự kiện. 

Tháng 4/2022, trên sân khấu Crypto Bahamas tại khu resort Baha Mar, Sam trực tiếp thảo luận với cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và cựu Thủ tướng Anh Tony Blair. 

Nhưng 7 tháng sau, đế chế tỷ đô của Sam sụp đổ chỉ trong vòng một tuần. CEO Binance - Changpeng Zhao muốn rút khoản tiền lớn khỏi sàn FTX do nghi ngờ Sam khuất tất. Điều này kéo theo hiệu ứng rút tiền quá nhiều nhưng sàn FTX mất khả năng thanh khoản. 

Lúc này, sự thật được phanh phui: Sam âm thầm lấy tiền của người dùng gửi vào sàn để giao dịch đầu tư cá nhân.  

Cuối năm 2022, Sam bị bắt ở Bahamas và dẫn độ sang Mỹ với cáo buộc 8 tội danh bao gồm lừa đảo khách hàng và rửa tiền. Mức án tối đa là 115 năm tù. 

Danh sách chủ nợ có thể lên tới 1 triệu người với tổng tiền hàng chục tỷ USD. Bao gồm cả những ông lớn như Amazon, Apple, Meta, LinkedIn, Twitter, Netflix, Adobe, American Airlines, Spirit Airlines, Southwest Airlines và Đại học Stanford.