Trao đổi với VietNamNet, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, do lượng phương tiện dồn về nút giao Pháp Vân sát với nút giao Giải Phóng – Vành đai 3 nên tại cửa ngõ phía Nam thường xuyên tạo nên các dòng phương tiện xung đột, ùn tắc kéo dài.

Dù Hà Nội có mở đường Vành đai 3 kết nối dưới thấp ven hồ Linh Đàm với nút giao Giải Phóng với mong muốn phương tiện qua cửa ngõ phía Nam thoát nhanh hơn, tuy nhiên hiệu quả lại không như mong đợi.

Theo ông Thuỷ, để giải quyết ùn tắc tại cửa ngõ phía Nam Hà Nội cần thực hiện hai giải pháp. 

Thứ nhất, để hạn chế xung đột của phương tiện trên đường Giải Phóng với đường Vành đai 3, Hà Nội cần tính tới phương án làm hầm chui theo hướng Giải Phóng – Văn Điển tại nút giao vành đai 3 để tách dòng xe lớn trên đường Giải Phóng - QL1:  Khi đó lượng phương tiện lớn lưu thông Giải Phóng - Văn Điển sẽ không bị xung đột, phương tiện lưu thông Vành đai 3 dưới thấp cũng thoát nhanh hơn. 

Lưu lượng xe đường trên cao Vành đai 3 quá đông nên vào giờ cao điểm gây áp lực lớn cho nút giao Pháp Vân. Ảnh:  Đình Hiếu 

Thứ hai, tại cửa ngõ phía Nam nên tính tới việc mở rộng đoạn từ vành đai 3 ra cao tốc Pháp Vân lên 8-10 làn xe, để khi xe từ nội đô Hà Nội ra vào cao tốc (nhất là giờ cao điểm và ngày lễ Tết) sẽ thoát nhanh hơn, tránh tình trạng tạo nên nút thắt cổ chai mỗi khi có lưu lượng xe lớn.

Năm 2017, Tổng Cục đường bộ Việt Nam và đơn vị tư vấn là Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) đã tính đến phương án Cải tạo cục bộ nút giao Pháp Vân. Theo phương án này, tại nút giao Pháp Vân sẽ làm hầm chui vượt nút Pháp Vân theo hướng cao tốc Pháp Vân – nội thành (phố Tân Mai).

Tuy nhiên, theo ông Phạm Hữu Sơn, Phó chủ tịch HĐTV TEDI, phương án trên đến thời điểm này không còn phù hợp vì thực sự vào trong khu vực nội thành không còn đất làm đường, thậm chí nếu có làm được thì hệ thống đường tiếp theo cũng không thể giải toả phương tiện đi vào được.

“Nguyên lý không nên “dúi’ thêm lưu lượng phương tiện vào một nút giao Pháp Vân – Vành đai 3 mà phải sớm làm nút giao Tứ Hiếp tại cao tốc Pháp Vân và Vành đai 4 để phân luồng từ xa. Có như vậy mới giải toả được phương tiện đang dồn hết về cửa ngõ Pháp Vân như hiện nay”, ông Sơn nói thêm.

Hạn chế xe nội đô đi lên đường Vành đai 3 giờ cao điểm

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng bộ môn quy hoạch và quản lý giao thông vận tải, Trường ĐH giao thông vận tải cho rằng, Pháp Vân là cửa ngõ lớn nhất ra vào Thủ đô Hà Nội, tại đây xảy ra ùn tắc ở điểm kết nối chuyển tiếp từ đường cao tốc lưu thông với tốc độ nhanh sang đường vành đai và đường đô thị lưu thông với tốc độ chậm. Trong đó, đường vành đai 3 được thiết kế với tốc độ cao tốc, nhưng đến thời điểm hiện nay phương tiện quá đông nên tốc độ lưu thông chẳng khác nào đường đô thị.

Muốn kiểm soát được lưu lượng trên Vành đai 3, cần phải kiểm soát được lối ra vào đường trên cao. Cụ thể, hạn chế phương tiện nội đô đi lên đường trên cao giờ cao điểm để phương tiện lưu thông trên đường Vành đai 3 chạy đảm bảo tốc độ thiết kế, giảm tải cho nút giao phía Nam.

Để triển khai được giải pháp này cần phải tính đến phương án thiết lập trạm kiểm soát lối ra vào có hệ thống đèn tín hiệu đóng mở và có hệ thống thông báo cho hành khách chuyển hưởng. Việc này đáng ra đơn vị khai thác vận hành phải được quản lý nhà nước giao làm ngay từ đầu, nhưng ở nước ta lại chưa làm được.

Ông Tuấn cho rằng, đơn vị quản lý mạng lưới giao thông mà cụ thể là Sở GTVT Hà Nội phải có chiến lược quản lý giao thông cho từng giai đoạn, không thể nói chung chung khi có Vành đai 4 và nút giao đường cao tốc Pháp Vân sẽ giải quyết phân luồng được một phần cho nút giao. 

Trong đó lộ trình ngắn hạn là cải thiện tình trạng ùn tắc cục bộ phù hợp với nhu cầu hiện tại nút giao, còn về dài hạn phải phân luồng, tổ chức giao thông trên toàn mạng lưới, cải thiện điểm kết nối đảm bảo năng lực phù hợp. 

>>Xem tin nóng: Núp xe lớn trốn trạm thu phí cũng không thoát khỏi 'mắt thần'