Phương thức nhận bưu gửi “không tiếp xúc”

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, 2 thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM cùng nhiều tỉnh thành phía Nam đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Dẫu vậy, đội ngũ bưu tá cùng lực lượng shipper của các đơn vị được cấp mã hoạt động trong thời gian giãn cách vẫn nỗ lực để tham gia cung ứng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Bên cạnh việc phổ biến, yêu cầu các nhân viên, bưu tá phải tuân thủ nguyên tắc 5K và quy định phòng chống dịch, 2 doanh nghiệp bưu chính lớn là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã ứng dụng công nghệ để hạn chế tiếp xúc trực tiếp, giảm nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng.

Tủ phát hàng tự động (Post Smart) là ứng dụng công nghệ giao - nhận hàng phổ biến tại nhiều nước phát triển như Anh, Đức, Phần Lan, Singapore, Hàn Quốc... Đây cũng là xu hướng phát triển tất yếu của thị trường bán lẻ, thương mại điện tử để đáp ứng nhu cầu gia tăng của người dùng trong thời đại số.

{keywords}
Tại các địa bàn cung cấp dịch vụ Post Smart, thay vì đến bưu cục để nhận hoặc được bưu tá phát tại địa chỉ, khách hàng của Vietnam Post có thể đến điểm tủ đăng ký để tự lấy bưu gửi.

Tại Việt Nam, tháng 7 vừa qua, 40 tủ phát hàng tự động Post Smart, với 22 tủ tại TP.HCM và 18 chiếc tại Hà Nội, đã được Vietnam Post thí điểm vận hành. Sau thử nghiệm, doanh nghiệp sẽ hoàn thiện giải pháp để lên phương án sớm mở rộng.

“Giao hàng qua Post Smart là một trong những giải pháp công nghệ để chúng tôi từng bước hoàn thiện phương thức giao hàng tự động, phù hợp nhu cầu đa dạng của khách hàng, đồng thời tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng ưa chuộng mua sắm, giao dịch qua các nền tảng số”, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Post Lê Quốc Anh chia sẻ.

Để chọn nhận bưu gửi qua tủ Post Smart, người dùng sẽ liên hệ với doanh nghiệp qua một trong các hình thức: hotline, số điện thoại bưu cục gửi hàng, Fanpage của Vietnam Post, tạo yêu cầu thay đổi địa chỉ trên ứng dụng “My Vietnam Post”, yêu cầu bưu tá phát tại điểm tủ Post Smart mong muốn. Khi bưu gửi về Post Smart đã đăng ký, người dân sẽ dùng mã OTP hoặc mã QR được Vietnam Post gửi đến để nhập/quét mã mở tủ, thanh toán và nhận hàng.

Bưu gửi được lưu giữ trong tối đa 48 giờ kể từ khi về tủ, giúp khách hàng chủ động trong việc sắp xếp thời gian đến điểm Post Smart lấy hàng. Cước phí nhận hàng được thanh toán qua ví điện tử bằng thao tác quét mã QR hiển thị trên màn hình tủ.

Nhấn mạnh những ưu điểm nổi bật của Post Smart, bà Vũ Thanh Xuân, Trưởng ban Kỹ thuật Công nghệ của Vietnam Post cho biết, ngoài việc mang đến những trải nghiệm mới về phương thức sử dụng dịch vụ, bảo đảm quyền riêng tư của người dân khi sử dụng dịch vụ bưu chính, Post Smart còn cho phép người dùng có thể sử dụng dịch vụ không hạn chế thời gian, bất cứ khi nào họ có nhu cầu.

“Đặc biệt, giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc hạn chế tiếp xúc trực tiếp là rất cần thiết. Với Post Smart, người dùng có thể nhận hàng mà không cần tiếp xúc ở khoảng cách gần với bưu tá hay giao dịch viên. Quá trình nhận hàng từ khi nhập mã, thanh toán, mở tủ, lấy hàng chỉ diễn ra trong vài phút, giúp giảm thiểu tối đa thời gian giao dịch”, bà Xuân nhấn mạnh.

Mô hình bưu cục số giúp giảm nguy cơ lây lan dịch

Bưu cục số là mô hình được Viettel Post áp dụng từ tháng 5 nhằm góp phần mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng phục vụ với sự hỗ trợ của công nghệ số. Đến nay, trên toàn quốc đã có hơn 1.100 bưu cục số được mở, trong đó TP.HCM có trên 200 điểm. 

Với bưu cục số, nhân sự tại mỗi bưu cục chỉ 1 người, thay vì có từ 3 - 5 nhân sự như mô hình truyền thống. Trưởng bưu cục số được trang bị những công cụ công nghệ số hỗ trợ cho các đầu việc diễn ra tại bưu cục thường, phụ trách và chịu trách nhiệm trong tất cả các khâu gồm cả giao và nhận.

Điều này giúp công việc có thể diễn ra bình thường ngay trong mùa dịch, doanh nghiệp không phải điều động nhiều nhân sự, góp phần hạn chế tiếp xúc giữa các nhân viên tại điểm bưu cục. Việc nhân sự của bưu cục số chỉ hoạt động trong 1 khu vực nhất định cũng giúp hạn chế nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng.

{keywords}
Mô hình bưu cục số đang tiếp tục được Viettel Post mở rộng tại các địa phương vùng dịch.

Theo Phó Tổng Giám đốc Viettel Post Đinh Thanh Sơn, việc để 1 nhân sự bưu cục số chịu trách nhiệm hoạt động tại 1 địa bàn nhất định đang phát huy ưu điểm tại các địa phương giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19.

Chỉ thị 16 quy định thành phố cách ly thành phố, quận cách ly quận, phường cách ly phường nên tại 1 địa bàn nhỏ chỉ cần có 1 bưu cục số hoạt động thì luồng kết nối hàng hóa trọng yếu vẫn có thể thông suốt. Viettel Post vừa có thể duy trì hoạt động nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch.

“Hiện Viettel Post có thể kiểm soát được hành trình di chuyển của các Trưởng bưu cục số qua ứng dụng. Trong trường hợp họ không may tiếp xúc F1 hay F2, việc khoanh vùng cũng nhanh và chính xác hơn”, ông Sơn thông tin thêm.

Trao đổi với ICTnews, ông Phạm Quang Đạt, Trưởng bưu cục số Phan Xích Long (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho rằng: Nhờ chỉ hoạt động tại 1 địa bàn, Trưởng bưu cục số này không phải khai báo tại các chốt giữa các quận. Việc gom đơn và vận chuyển theo tuyến ngắn cũng cho phép nhân sự của bưu cục số có thể chuyển phát được số lượng đơn lớn hơn, hỗ trợ được nhiều người dân hơn.

“Người dân không cần đến trực tiếp các điểm phục vụ để gửi hàng mà chỉ cần tạo đơn trên ứng dụng. Sau khi nhận thông tin, tôi sẽ đến địa chỉ khách hàng để khai thác và kết nối bưu phẩm, hàng hóa. Điều này giúp khách hàng có thể ở nhà, giảm nguy cơ bị nhiễm dịch do tiếp xúc trực tiếp”, ông Đạt cho hay.

Vân Anh

Shipper tự do tắt app, doanh nghiệp bưu chính cam kết bảo vệ chuỗi cung ứng tại vùng dịch

Shipper tự do tắt app, doanh nghiệp bưu chính cam kết bảo vệ chuỗi cung ứng tại vùng dịch

Nhận định việc nhân viên giao hàng (shipper) tự do ở Hà Nội, TP.HCM dừng hoạt động, tắt ứng dụng (app) tạo ra lỗ hổng trong luồng vận chuyển hàng hóa, Vietnam Post và Viettel Post cam kết nỗ lực 200% để bảo vệ chuỗi cung ứng hàng thiết yếu.