Tác giả của giải thưởng thuộc về hai em Mai Nguyễn Gia Mỹ, Vũ Trần Gia Huy - học sinh lớp 9 trường THCS Thuận An, Hậu Giang dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Mai Trọng Hữu và mentor Nguyễn Văn Sơn, giảng viên trường ĐH Hoa Sen. 

Ngày 25/11, Bộ GD & ĐT, Tổ hợp Samsung Việt Nam và Tổ chức Tuổi trẻ Thành đạt (JA Vietnam) đã tổ chức Vòng Chung kết và Lễ trao giải Solve for Tomorrow năm thứ 5 nhằm tìm ra các dự án sáng tạo công nghệ xuất sắc góp phần giải quyết các vấn đề của xã hội và địa phương.

Cuộc thi năm nay thu hút gần 150.000 học sinh và giáo viên đăng ký, nhận về 2.266 bài dự thi – tăng gấp hai lần so với năm 2022.

Vòng Chung kết với sự tranh tài của 10 đội thi xuất sắc nhất đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước bao gồm 5 đội thi của Bảng A (Khối THCS) và 5 đội thi của Bảng B (Khối THPT) với các dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau từ môi trường, giáo dục, đến y tế, sức khỏe…

hoc sinh.jpeg
Hai học sinh giành giải Nhất cuộc thi Solve for Tomorrow khối THCS đến từ tỉnh Hậu Giang (Ảnh: N.Huyền) 

Tại Vòng Chung kết này, các đội thi đã trực tiếp thuyết trình dự án, vận hành mô hình và trả lời câu hỏi từ ban giám khảo.

Kết quả chung cuộc được ban giám khảo đánh giá không chỉ dựa trên các yếu tố về sản phẩm và cách thực hiện dự án, mà còn chấm điểm các kỹ năng mềm như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng phản biện, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng quản lý thời gian.

Sau thời gian tranh tài sôi nổi, với ý tưởng nổi bật, mô hình sản phẩm có tính ứng dụng cao, và phần thuyết trình đầy thuyết phục, giải Nhất được trao cho đội thi Khóm Cầu Đúc trường THCS Thuận An - Hậu Giang với dự án Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo Agro Robot - theo dõi, giám sát, đánh giá tình trạng sức khỏe của đất chuyên trồng lúa nước tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang (Bảng A) và đội thi Mindful Medical Brain trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam với dự án MedIQ - hộp y tế thông minh ứng dụng nền tảng IoT và hệ thống phần mềm quản lý (Bảng B).

robot tham dong.jpeg
Agro Robot tranh tài tại vòng chung kết.

Thầy Nguyễn Văn Sơn, giảng viên trường ĐH Hoa Sen là mentor cho dự án nghiên cứu, thiết kế và chế tạo Agro Robot tự hào cho biết, các em đều là học sinh giỏi, tích cực tham gia các hoạt động của trường, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến giáo dục STEM.

Khi biết thông tin cuộc thi, hai em đã phối hợp cùng nhau đưa ra ý tưởng với giáo viên để triển khai. Trải qua không ít khó khăn, từ việc thiết kế cơ khí làm sao để robot đi “thăm ruộng” mà không nát lúa; làm sao nó có thể chạy được trên ruộng bùn…

Tất cả những vấn đề đó các em đều phải tính toán để cho ra sản phẩm cuối cùng có bánh xe cao, thiết kế bánh xe cũng phải đặc biệt để có thể di chuyển được trên ruộng bùn mang ra dự thi vòng chung kết hôm nay.

“Tôi rất tự hào về các em. Việc chế tạo Agro Robot di chuyển được trên đồng ruộng nhằm xây dựng hệ thống IoT thu thập, hiển thị, đánh giá và phân tích dữ liệu đất. Từ đó, giám sát chất lượng đất qua web và app ứng dụng bằng công nghệ IoT. 

Nhóm có định hướng sẽ thương mại hoá sản phẩm. Ngoài ra, các em cũng mong muốn có thể phát triển thành công máy bay không người lái để có thể triển khai cho những cánh đồng mẫu lớn hơn với tốc độ, thời gian nhanh hơn”, thầy Sơn thông tin.

Cuộc thi Solve for Tomorrow 2023 được phát động từ tháng 4 dành cho học sinh THCS, THPT lứa tuổi 12 đến 18 nhằm khuyến khích các em ứng dụng kiến thức giáo dục STEM liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học nhằm khắc phục các vấn đề xã hội hiện hữu.