Thủy sản Hùng Vương (HVG) của ông trùm cá tra một thời Dương Ngọc Minh vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2019 (niên độ 31/12/2018-31/3/2019) với chi phí tài chính và quản lý bán hàng giảm mạnh, dẫn tới doanh nghiệp có lãi 7 tỷ USD.
Đây là một thông tin tích cực nếu so sánh với mức lỗ hàng trăm tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái sau khi Thủy sản Hùng Vương thực hiện đồng loạt các biện pháp tái cấu trúc, bao gồm cả bán hàng loạt tài sản để cân đối lại tình hình tài chính doanh nghiệp.
Tuy nhiên, con số này quá nhỏ bé so với quy mô vài ngàn tỷ của doanh nghiệp. Hơn thế, doanh thu của doanh nghiệp giảm hơn nửa xuống chỉ còn 1,3 ngàn tỷ đồng. Xuất khẩu cũng giảm mạnh, trong khi hàng tồn kho lên tới 1,8 ngàn tỷ đồng và dư nợ vây lên tới trên 3 ngàn tỷ đồng.
Triển vọng của Thủy sản Hùng Vương của ông Dương Ngọc Minh thậm chí còn u ám hơn sau khi doanh nghiệp này vừa nhận một cú sốc từ Mỹ: cú sốc POR14 được công bố cuối tháng 4 vừa qua.
Theo đó, sau đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR14) của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đối với sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ, Mỹ đã tăng thuế so với kết quả sơ bộ.
Ông Dương Ngọc Minh vẫn gặp khó với việc xuất khẩu thủy sản sang Mỹ. |
Thủy sản Hùng Vương của ông Minh bất ngờ chịu mức thuế cao lên tới 3,87 USD/kg, trong khi CTCP thủy sản Biển Đông và Tập đoàn thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) của bà Trương Thị Lệ Khanh lần lượt chịu mức thuế là 0,19 và 0 USD/kg.
Trong 10 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu HVG của ông Dương Ngọc Minh giảm 9 phiên còn lại một phiên đứng giá. Trong 9 phiên giảm, có tới 8 phiên giảm sàn. Cổ phiếu HVG tụt từ mức 7.450 đồng/cp xuống còn 4.500 đồng/cp như hiện tại.
Trước đó, ông Dương Ngọc Minh đã rất tự tin vào POR 14 với kỳ vọng nếu kết quả tích cực, Thủy sản Hùng Vương chắc chắn quay về mức doanh thu 20 ngàn tỷ đồng vào năm 2020 và HVG sẽ mua lại tất cả những gì đã bán.
Lần thứ hai giấc mộng tỷ USD đã được ông Dương Ngọc Minh đề cập tới sau một thời gian khá dài tái cấu trúc.
Trong vài năm trước, Thủy sản Hùng Vương của ông Dương Ngọc Minh đã có những thời gian bứt phá bùng nổ, và được xem là vua cá tra Việt. HVG từng ghi nhận doanh thu hơn 15 ngàn tỷ đồng trong năm 2014 và hơn 18 ngàn tỷ đồng trong năm 2016. Nhưng giờ đây khó khăn ngày càng chất đống. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung còn căng thẳng và có thể có những kịch bản xấu xảy ra, quan hệ thương mại trên thế giới nói chung và giữa các nước với Mỹ cũng có thể không thuận lợi.
Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) của bà Trương Thị Lệ Khanh mặc dù được hưởng mức thuế thấp nhưng cũng chịu áp lực giảm chung trên thị trường. Cổ phiếu VHC giảm 4 phiên liên tiếp gần đây.
Trái ngược với Hùng Vương, trong quý 1/2019, nhiều doanh nghiệp thủy sản ghi nhận kết quả kinh doanh khá tốt. Vĩnh Hoàn lãi ròng 307 tỷ đồng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước nhờ xuất khẩu cá tra tăng mạnh về giá. Trong khi đó, ANV lãi hơn 200 tỷ đồng, tăng 164% so với cùng kỳ.
Thuỷ sản Cửu Long An Giang (ACL) thậm chí ghi nhận lợi nhuận tăng gấp 9 lần lên 54 tỷ. Camimex Group (CMX) cũng báo lãi cao gấp 6 lần cùng kỳ đạt hơn 24 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), thanh khoản được cải thiện nhưng vẫn ở mức rất thấp. Những thông tin về cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung khiến giới đầu tư thận trọng. Nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp xuất khẩu chịu áp lực giảm. Các cổ phiếu trụ cột cũng có xu hướng đi xuống.
Đầu giờ sáng 8/5, sắc đỏ bao trùm thị trường, VN-Index mất gần 10 điểm, chỉ có một số cổ phiếu dầu khí đi ngược xu thế giảm.
TTCK trong nước chịu ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình thế giới sau khi Dow Jones giảm 473,39 điểm, tương đương 1,79% và mất mốc 26 ngàn điểm trong phiên trước.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) tiếp tục có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Theo SHS, dòng tiền tiếp tục đứng ngoài đã khiến cho thanh khoản suy giảm và đây sẽ là điều cần cải thiện trong các phiên tiếp theo để cải thiện xu hướng của thị trường. Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 8/5, VN-Index có thể tiếp tục giảm điểm để kiểm định lại hỗ trợ gần nhất tại 955 điểm (MA200), kháng cự gần nhất tại 965 điểm (đường viền cổ).
Còn theo Rồng Việt, đà giảm tạm thời chững lại tuy nhiên chưa nhiều dấu hiệu tích cực xuất hiện. Xu hướng chủ đạo vẫn là tiêu cực và nhà đầu tư nên hạn chế giải ngân mới ở thời điểm này.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/5, VN-Index giảm 0,41 điểm xuống 957,56 điểm; Hnx-Index tăng 0,41% lên 105,83 điểm và Upcom-Index tăng 0,19% lên 55,47 điểm.
H. Tú