Dù gặp nhiều thuận lợi khi thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng Hải Phòng chưa có trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp như tại Hà Nội và TP. HCM được thành lập khi triển khai thực hiện Nghị quyết 115/NQ-CP. Do đó, mới đây thành phố đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ xây dựng trung tâm này.
Hải Phòng đã trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều dự án có vốn đầu tư lớn, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, ngành công nghiệp hỗ trợ của Hải Phòng đã có bước tiến mạnh mẽ, đúng định hướng, phù hợp với các Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố và các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Ông Lê Khắc Bảo - Phó trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công Thương TP. Hải Phòng cho biết, ngành công nghiệp hỗ trợ đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của công nghiệp chế biến, chế tạo. Hiện tại, các ngành chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng từ 45 - 46%, với chỉ số phát triển công nghiệp duy trì mức tăng trưởng hai con số kể từ năm 2019.
Trong tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 28,9 tỷ USD tại Hải Phòng, hơn 50% được dành cho ngành công nghiệp hỗ trợ như sản xuất điện tử, điện thoại và máy tính, khoảng 22,3% vốn đầu tư tập trung vào lĩnh vực chế tạo ô tô và xe máy.
Ông Lê Khắc Bảo nhấn mạnh, việc thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ kết hợp với các chương trình khác của thành phố gặp nhiều thuận lợi. Các yếu tố như hệ thống hạ tầng phát triển, môi trường đầu tư kinh doanh được cải cách mạnh mẽ, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng cải thiện, cùng với sự hỗ trợ về công nghệ và đổi mới sáng tạo đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển nhiều ý tưởng và cải tiến sản xuất, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp thành phố.
Dù gặp nhiều thuận lợi là vậy, nhưng hiện Hải Phòng chưa có trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp như tại Hà Nội và TP. HCM. Do đó, trong buổi làm việc của đồng chí Tô Lâm - Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cùng đoàn công tác tại Hải Phòng, thành phố đã đề xuất hỗ trợ xây dựng trung tâm này.
Tham gia đoàn công tác, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, trong quá trình triển khai các Nghị quyết của Đảng về công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, theo Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ xây dựng hai Trung tâm hỗ trợ công nghiệp, gồm một trung tâm tại khu vực phía Bắc ở Hà Nội và một trung tâm tại khu vực phía Nam ở TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, hai trung tâm này đang trong giai đoạn hoàn thiện cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và tổ chức bộ máy để sớm đưa vào hoạt động.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Hải Phòng là một trong những địa phương chiến lược về công nghiệp và dịch vụ của khu vực phía Bắc, đặc biệt là Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ, nơi đang thu hút và sẽ tiếp tục đón nhận nhiều nhà đầu tư công nghệ cao từ các quốc gia phát triển.
Do đó, Bộ Công Thương hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Hải Phòng trình Chính phủ xem xét chủ trương thành lập Trung tâm hỗ trợ công nghiệp thứ ba, hoặc mở rộng trung tâm hiện có tại khu vực phía Bắc. Trung tâm này sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng các công nghệ tiên tiến, đồng thời hỗ trợ phát triển các cơ chế chính sách, huy động nguồn lực từ ngân sách trung ương và địa phương để đầu tư và phát triển trung tâm này.
Nhiều chuyên gia đánh giá, Hải Phòng vốn đã định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ bền vững, thân thiện với môi trường. Các dự án công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất điện tử, ô tô và máy tính, luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực tới hệ sinh thái và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên.
Khi thành phố có trung tâm hỗ trợ, Hải Phòng có thể phát triển mạnh mẽ trong ngành công nghiệp hỗ trợ, đồng thời bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng một nền kinh tế xanh và bền vững cho tương lai.
Trung Dũng