Trải qua 68 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân chủng Hải quân đã được tôi luyện và ngày càng lớn mạnh về mọi mặt, lập được nhiều thành tích, chiến công xuất sắc, đặc biệt xuất sắc.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chuẩn Đô đốc, Tư lệnh Quân chủng Hải quân Trần Thanh Nghiêm kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu trên Tàu 261, Hải đội 512, Lữ đoàn 127_Nguồn: laodong.vn

Những chiến công của Hải quân nhân dân Việt Nam đã đi vào lịch sử dân tộc, lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đó là chiến thắng trận đầu ngày 2 và ngày 5-8-1964; chiến thắng vang dội của lực lượng đặc công hải quân trên chiến trường sông, biển; chiến công của những con tàu không số làm nên huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển... Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, lực lượng hải quân phối hợp cùng các lực lượng khác thần tốc, táo bạo, bất ngờ tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo trên vùng biển miền Trung, Tây Nam của Tổ quốc. Đồng thời, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế với các nước anh em. Trong thời kỳ đổi mới, hình ảnh những chiến sĩ hải quân với bản lĩnh thép, kiên cường, dũng cảm đối mặt với hiểm nguy, kiên quyết đấu tranh với những hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta trên các vùng biển, đảo đã khắc sâu trong tâm trí, là niềm tự hào, làm xúc động hàng triệu trái tim người Việt Nam và bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Biển, đảo nước ta có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, không những mang lại nhiều lợi thế cho phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, mà còn là một không gian chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XII “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định mục tiêu tổng quát: “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển”. Do vậy, vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng và cấp bách hiện nay là phải bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; ra sức xây dựng, củng cố, hoàn thiện nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trên biển ngày càng vững chắc gắn với xây dựng, phát triển kinh tế biển, bảo vệ lợi ích quốc gia, tài nguyên và môi trường sinh thái biển.

Bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là ý chí, nguyện vọng, tình cảm và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó Hải quân nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt. Xác định rõ trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang này, kế thừa truyền thống lịch sử của Quân đội, Quân chủng Hải quân anh hùng, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân luôn phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Điều này được thể hiện rõ nét qua những kết quả chủ yếu sau:

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng thường xuyên chủ động nghiên cứu, nắm chắc, đánh giá, dự báo đúng tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về chủ trương, giải pháp nhằm giữ vững chủ quyền và môi trường hòa bình, ổn định trên biển; đồng thời, trực tiếp xử trí các tình huống đúng đối sách, không để bị động, bất ngờ. Thường xuyên duy trì nghiêm lực lượng, phương tiện trực sẵn sàng chiến đấu, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; tổ chức tuần tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ các vùng biển; kiên quyết, kiên trì ngăn chặn mọi hành động xâm phạm chủ quyền biển, đảo; bảo vệ an toàn các mục tiêu chiến lược, các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, hoạt động kinh tế biển. Năng lực tham mưu, đề xuất, chất lượng quản lý các vùng biển, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân chủng không ngừng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Xác định huấn luyện chiến đấu là nhiệm vụ chính trị trung tâm, xuyên suốt, quyết định sức mạnh chiến đấu của Quân đội và mỗi đơn vị, Quân chủng tăng cường tổ chức huấn luyện theo đúng phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, sát phương án tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đột phá vào huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại. Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức các cuộc diễn tập, nhất là diễn tập hiệp đồng quân - binh chủng, diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp; tham gia các cuộc diễn tập do Bộ Quốc phòng tổ chức đạt mục đích, yêu cầu đề ra, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Chất lượng huấn luyện, xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật đạt được khá toàn diện, nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. Tích cực tham gia các hội thi, hội thao trong nước và quốc tế đạt kết quả cao: năm 2021, lần đầu tiên Hải quân nhân dân Việt Nam tham gia Hội thao quân sự quốc tế (Army Games) tại Liên bang Nga và giành Huy chương Bạc; năm 2022, vận động viên bơi, lặn hải quân tham gia Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31) giành 7 Huy chương Vàng, phá 3 kỷ lục SEA Games và xác lập 2 kỷ lục SEA Games mới...

Quân chủng thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng nền an ninh nhân dân trên biển, tạo ra thế trận phòng thủ bờ - biển - đảo ngày càng vững chắc. Tích cực, chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về mục tiêu, chủ trương, biện pháp trong quản lý nhà nước về biển, đảo, đối ngoại quốc phòng; ban hành các chế độ, chính sách nhằm thu hút, hỗ trợ các đối tượng hoạt động trên biển và ven biển, nhất là đối tượng thuộc các chương trình, đề án cấp quốc gia. Chủ động triển khai có hiệu quả chương trình phối hợp tuyên truyền về biển, đảo với 63 tỉnh, thành phố và 16 cơ quan trung ương, kết hợp với đẩy mạnh tuyên truyền thu hút nguồn nhân lực xây dựng Quân chủng Hải quân hiện đại. Phối hợp với các bộ, ngành và 28 tỉnh, thành phố ven biển triển khai có hiệu quả Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, góp phần giúp ngư dân nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo và phát huy vai trò của họ trong tham gia xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận quốc phòng toàn dân trên biển. Đặc biệt, Bộ Tư lệnh Quân chủng còn chỉ đạo các lực lượng tích cực, chủ động tham gia tìm kiếm, cứu nạn, bảo vệ, giúp đỡ ngư dân, nhất là trên các vùng biển, đảo xa bờ, vùng biển giáp ranh với các nước; hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển làm tốt công tác tuyên truyền, vận động ngư dân không khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU).

Duy trì và thực hiện tốt cơ chế tuần tra chung và thiết lập kênh thông tin liên lạc với hải quân các nước Trung Quốc, Cam-pu-chia, Thái Lan, giữ vững ổn định, an ninh, trật tự trên vùng biển giáp ranh với các nước này. Tăng cường quan hệ hợp tác song phương và đa phương với hải quân các nước có vùng biển giáp ranh, các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các nước bạn bè truyền thống. Củng cố, mở rộng quan hệ với hải quân các nước lớn, các nước đối tác chiến lược. Tăng cường trao đổi đoàn cấp cao nhằm định hướng, tạo dựng khuôn khổ hợp tác. Thiết lập cơ chế tham vấn hải quân song phương với nhiều nước, đưa hợp tác song phương vào chiều sâu; nâng tầm hoạt động đa phương, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện tốt các cam kết, trách nhiệm của mình trong các cơ chế an ninh hàng hải ở khu vực (như Hội thảo Hải quân Tây Thái Bình Dương, Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN, các diễn đàn trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM+)...). Các hoạt động đối ngoại quốc phòng đã góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định trên biển, giữ vững được chủ quyền, nâng cao uy tín và vị thế của Hải quân nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong những năm tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Biển Đông luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp, xung đột. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và xây dựng Quân chủng Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đặt ra yêu cầu ngày càng cao hơn. Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam ngày càng vững mạnh, thực sự là lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, Quân chủng tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:

Một là, tập trung xây dựng Quân chủng vững mạnh về mọi mặt, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu.

Đây là nhân tố quan trọng hàng đầu, bảo đảm để Quân chủng luôn hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Vì vậy, phải tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay về tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng của dân tộc, hiểu rõ hơn giá trị của mỗi tấc đảo, từng sải biển; tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; nhận thức sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, các chiến lược về quân sự, quốc phòng. Qua đó, giúp cán bộ, chiến sĩ nâng cao ý chí quyết tâm và tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, nhận thức rõ đối tượng, đối tác, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; nhạy bén, sắc sảo trong nắm bắt và giải quyết những vấn đề mới nảy sinh; kiên quyết, kiên trì trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; tỉnh táo xử lý chuẩn xác những tình huống phức tạp trên biển đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thường xuyên làm tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ Quân chủng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp. Tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm, có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Chỉ thị số 87-CT/QUTW, ngày 8-7-2016, của Thường vụ Quân ủy Trung ương, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Quân đội và toàn quân”. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phương pháp, phong cách công tác khoa học, đổi mới, tập trung, sâu sát, quyết liệt, nói đi đôi với làm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, coi trọng hiệu quả, không hình thức. Chăm lo xây dựng các tổ chức quần chúng và hội đồng quân nhân vững mạnh, hoạt động đúng chức năng và có hiệu quả. Tiếp tục làm tốt công tác dân vận, công tác chính sách, giúp cho cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, tạo điều kiện để ngư dân khai thác trên biển, góp phần huy động sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Hai là, thường xuyên nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của các lực lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tập trung đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và nội dung, tổ chức, phương pháp huấn luyện. Chú trọng huấn luyện theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, sát phương án, đối tượng tác chiến, chiến trường, tổ chức, biên chế và vũ khí, trang bị kỹ thuật. Tiếp tục đột phá vào huấn luyện “cơ bản, làm chủ, chuyên sâu trong khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật, thực hiện quy tắc an toàn và nâng cao chất lượng huấn luyện cán bộ”; lấy nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và xây dựng Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại làm mục tiêu huấn luyện. Tăng cường huấn luyện ở vùng biển xa, huấn luyện trong điều kiện thời tiết phức tạp. Chú trọng tổ chức diễn tập có thực binh bắn đạn thật, diễn tập đối kháng, diễn tập hiệp đồng quân - binh chủng nhằm rèn luyện bản lĩnh, nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật cho bộ đội và trình độ tổ chức, chỉ huy, tham mưu tác chiến cho cán bộ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mô phỏng vào huấn luyện, diễn tập để kiểm chứng, nâng cao chất lượng huấn luyện và điều chỉnh, bổ sung các phương án tác chiến sát thực tế chiến đấu, sát tổ chức, biên chế, vũ khí, trang bị kỹ thuật, địa bàn hoạt động. Kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, bảo đảm an toàn.

 Chiến sĩ Lữ đoàn Tàu ngầm 189 sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc_Ảnh: TTXVN

Ba là, đẩy mạnh xây dựng, phát triển lực lượng hải quân gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên biển vững mạnh.

Để hoàn thành vai trò nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, lực lượng hải quân phải được xây dựng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; bố trí thế trận vững chắc, có chiều sâu, bảo đảm liên hoàn bờ - biển - đảo. Đẩy mạnh rà soát, kiện toàn tổ chức, biên chế các lực lượng theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, đồng bộ về con người, vũ khí, trang bị kỹ thuật và cơ sở bảo đảm. Tập trung xây dựng lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động nhằm nâng cao khả năng tuần tra, kiểm soát, quản lý vùng biển trong thời bình và phòng thủ, chi viện, tác chiến bảo vệ biển, đảo trong điều kiện chiến tranh xảy ra. Chú trọng kiện toàn tổ chức, lực lượng hậu cần hải quân gắn với xây dựng tiềm lực hậu cần nhân dân, hậu cần khu vực phòng thủ ven biển. Nghiên cứu đổi mới phương thức, nâng cao khả năng bảo đảm kỹ thuật cho các lực lượng, nhất là lực lượng hoạt động dài ngày trên biển, lực lượng được trang bị hiện đại. Phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần làm chuyển biến sâu sắc nhận thức của các cấp, các ngành và toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới. Phối hợp với các địa phương xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ biển vững mạnh, có phương án sẵn sàng động viên, huy động các lực lượng này tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tạo điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, “thế trận lòng dân” trên biển ngày càng vững chắc.

Bốn là, nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm, phát triển nghệ thuật tác chiến của Hải quân nhân dân Việt Nam phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước, quân đội và những thay đổi trong tác chiến hiện đại trên biển.

Khắc ghi lời Bác Hồ dạy: “Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại, nhưng không được quên những truyền thống đánh giặc xưa kia của tổ tiên”(1), Quân chủng chú trọng phát huy nét đặc sắc về nghệ thuật thủy chiến, tổng kết các bài học kinh nghiệm về đánh giặc trên sông, biển của dân tộc, các chiến dịch, trận chiến đấu, hoạt động tác chiến của Quân chủng trong chiến tranh giải phóng dân tộc và thực tiễn bảo vệ chủ quyền biển, đảo, làm cơ sở hoàn thiện lý luận về cách đánh của các lực lượng và nghệ thuật tác chiến hải quân. Nghiên cứu, vận dụng, phát huy nghệ thuật toàn dân đánh giặc, “lấy nhỏ đánh lớn”, “lấy ít địch nhiều”, đánh địch bằng “mưu, kế, thế, thời” trong điều kiện chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc phát triển ở trình độ cao, phù hợp với sự phát triển của tình hình, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế, vũ khí, trang bị kỹ thuật của Quân chủng và đối tượng tác chiến; đáp ứng yêu cầu tác chiến trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, trên các môi trường: không, bộ, mặt biển, trong lòng biển và môi trường điện từ, thủy âm.

Trước tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến lĩnh vực quân sự, quốc phòng, Quân chủng đẩy mạnh nghiên cứu, làm chủ khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ bảo quản, bảo dưỡng, cải tiến, nâng cấp vũ khí, trang bị cũ và làm chủ vũ khí, trang bị mới. Ứng dụng công nghệ nội địa, công nghệ tự chủ vào chế tạo linh kiện, phụ tùng, vật tư kỹ thuật thay thế, tiến tới chế tạo các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật đặc chủng; nâng cao khả năng tự chủ trong bảo đảm kỹ thuật, trang bị, giảm lệ thuộc vào đối tác nước ngoài.

Năm là, các lực lượng trong Quân chủng tích cực tham gia lao động, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, đảo, thực hiện tốt chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh; quốc phòng, an ninh với kinh tế.

Toàn Quân chủng cần quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ sản xuất, phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tập trung chỉ đạo một số đơn vị, doanh nghiệp chú trọng đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, trang bị phương tiện đồng bộ, hiện đại, mang tính lưỡng dụng, vừa làm nhiệm vụ quốc phòng, vừa là hậu phương vững chắc chi viện biển, đảo, đối ngoại quân sự, đáp ứng yêu cầu chiến lược phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng, an ninh. Đẩy mạnh các hoạt động có ưu thế, như dịch vụ cảng biển, vận tải biển, khai thác, chế biến, nuôi trồng thủy, hải sản, khai thác hải sản xa bờ, sửa chữa, đóng mới tàu, thuyền, các dịch vụ biển… Phối hợp chặt chẽ với các địa phương xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, đảo, góp phần xây dựng các địa phương ven biển, các đảo giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh.

Sáu là, tăng cường hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc phòng, nhất là với các nước trong khu vực.

Việc triển khai các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc phòng của Quân chủng phải trực tiếp hỗ trợ cho ngoại giao nhà nước, hướng vào mục tiêu tìm kiếm giải pháp toàn diện, lâu dài để xây dựng lòng tin, kịp thời phối hợp giải quyết bất đồng và các vấn đề nảy sinh trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển, ngăn ngừa chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Tiếp tục duy trì có hiệu quả hoạt động tuần tra chung và đường dây nóng với hải quân các nước trong khu vực, chủ động nắm, dự báo sớm tình hình, nhất là sự điều chỉnh chiến lược, sách lược của các nước, từ đó chỉ đạo xử lý kịp thời, có hiệu quả các vấn đề trên biển./.

-------------------------

(1) Bộ Tư lệnh Hải quân: Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam (1955 - 2015), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr. 67

TRẦN THANH NGHIÊM - Ủy viên Trung ương Đảng, Chuẩn Đô đốc, Tư lệnh Quân chủng Hải quân

Theo Tạp chí Cộng sản