Theo hãng tin Reuters, báo cáo của Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) thuộc tạp chí The Economist nhận định cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trên toàn cầu vẫn chưa chấm dứt. Trong đó, Singapore và Zurich (Thụy Sĩ) đã vượt qua Geneva (Thụy Sĩ), New York (Mỹ), và đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) để trở thành 2 thành phố có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới.
Báo cáo của EIU cho thấy giá cả tiêu dùng đã tăng trung bình 7,4% đối với hơn 200 mặt hàng và dịch vụ. Con số này thấp hơn một chút so với mức tăng lạm phát kỷ lục 8,1% của năm 2022, nhưng vẫn “cao hơn đáng kể so với xu hướng năm 2017 - 2021”.
Singapore đã lần thứ 9 giành lại vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng trong 11 năm qua nhờ mức giá cao ở một số hạng mục. Theo đó, Singapore có chi phí vận chuyển thuộc hàng cao nhất thế giới, do chính phủ nước này kiểm soát chặt chẽ số lượng ô tô. Singapore còn là một trong những nơi có mức giá về quần áo, hàng tạp hóa và rượu đắt nhất thế giới.
Zurich thăng hạng đã phản ánh sức mạnh đồng franc Thụy Sĩ, và giá cả tăng cao đối với hàng tạp hóa, đồ gia dụng và giải trí.
Trong danh sách xếp hạng các thành phố có chi phí sống đắt đỏ nhất thế giới của The Economist, Geneva và New York đứng ở vị trí thứ 3, Hong Kong đứng thứ 5, và Los Angeles ở vị trí thứ 6.
Châu Á tiếp tục ghi nhận mức tăng giá trung bình tương đối thấp hơn so với các khu vực khác. Các thành phố của Trung Quốc gồm Nam Kinh, Vô Tích, Đại Liên và Bắc Kinh nằm trong nhóm những thành phố bị tụt hạng nhiều nhất trong năm nay cùng với Osaka và Tokyo của Nhật Bản.