Chia sẻ tại buổi tư vấn về “Ung thư vú: Phẫu thuật tạo hình và bước tiến mới trong điều trị nội khoa” do Bệnh viện K (Hà Nội) tổ chức ngày 20/10, PGS Lê Hồng Quang - Trưởng khoa Ngoại Vú Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội, cho biết ung thư vú là bệnh thường gặp, cả nước có khoảng 21.500 ca mắc mới mỗi năm, chiếm 25,8% tổng số các loại ung thư thường gặp ở nữ giới. Năm 2020, có 10.000 phụ nữ Việt tử vong vì ung thư vú. Tuy nhiên, 20 năm qua đã có một số tín hiệu đáng mừng của căn bệnh này:
Thứ nhất, phụ nữ đã chủ động đi thăm khám ung thư vú. Bác sĩ Quang cho biết cách đây hơn 20 năm, 2/3 số bệnh nhân đến khám ở giai đoạn muộn nhưng hiện tại ngược lại, 2/3 số bệnh nhân đến viện giai đoạn sớm. Đây là sự thay đổi ngoạn mục của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe và tầm soát ung thư vú sớm.
Thứ hai, công nghệ khoa học kỹ thuật phát triển bao phủ các phương pháp sàng lọc giúp bệnh nhân phát hiện sớm hơn, nhiều thuốc mới ra đời, nhiều phương pháp điều trị tiến bộ. Bởi vậy, khi nhận chẩn đoán ung thư vú, chị em không nên hoang mang, lo lắng. Ở giai đoạn sớm, tỷ lệ chữa khỏi lên tới 90%.
Bác sĩ Quang cho biết, hiện nay tiểu ban Ung thư vú của Bệnh viện K bao gồm các chuyên khoa phẫu thuật, xạ trị, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh… đã bám sát dòng chảy của thế giới hướng tới mục tiêu ngày càng tăng tỷ lệ bệnh nhân chữa khỏi, chất lượng sống của người mắc ngày càng nâng lên.
Hơn 20 năm công tác, bác sĩ Quang khẳng định sự thay đổi rõ rệt trong điều trị, mang lại kết quả tốt. Bệnh nhân không chỉ khỏi ung thư vú, chất lượng điều trị cũng tốt hơn. Người bệnh ra viện hoàn toàn tự tin trong công việc, cuộc sống. Vì vậy, việc phát hiện sớm cộng với phương pháp điều trị tốt chắc chắn sẽ khiến ung thư vú không còn đáng sợ với chị em.
Bác sĩ không còn loay hoay
Đối với những tiến bộ mới về nội khoa, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Yến - Phó trưởng khoa Nội tổng hợp Quán Sứ, Bệnh viện K, cho biết trong ung thư vú ngoài phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị nội tiết, bệnh nhân có thể tiếp cận cơ hội điều trị mới như thuốc nhắm đích, miễn dịch. Các liệu pháp này tác dụng phụ giảm, hiệu quả cao.
Ung thư vú có 3 phân nhóm thụ thể:
1. Bệnh nhân thụ thể nội tiết dương tính có các liệu pháp kháng CDK4/6 mang lại hiệu quả điều trị nội tiết cả giai đoạn bổ trợ và tái phát di căn.
2. Nhóm bệnh có các yếu tố phát triển biểu mô dương tính 3+, điều trị trúng đích giúp bệnh nhân được điều trị tốt hơn.
3. Với thể tam âm, trước đây, bác sĩ phải tìm các biện pháp điều trị cho bệnh nhân thì ngày nay có các điều trị miễn dịch, ức chế PARP cải thiện thời gian sống. Liệu pháp miễn dịch sử dụng hệ miễn dịch của người bệnh để chống lại khối u. Đây là liệu pháp sinh học, giúp khôi phục, tăng cường khả năng phát hiện và tiêu diệt tế bào ung thư. Có nhiều loại liệu pháp miễn dịch khác nhau. Đối với ung thư vú, bác sĩ sử dụng phương pháp ức chế PD-1 và PD-L1.
Hiện Bệnh viện K phối hợp với Bộ Y tế đề xuất bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả cho tầm soát ung thư vú giúp nhiều phụ nữ có cơ hội phát hiện bệnh sớm hơn. Theo bác sĩ Quang, BHYT chi trả hoạt động này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, giảm chi phí điều trị hơn rất nhiều.
Trong thời gian BHYT chưa thanh toán, các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ từ 40 tuổi, người có chị em, mẹ mắc ung thư vú nên chủ động đến các cơ sở y tế chuyên khoa tầm soát ung thư vú.
Phụ nữ nếu thấy 8 dấu hiệu sau cần tới các cơ sở y tế chuyên khoa để khám: - Khối u ở vú, gần xung quanh vú hoặc dưới nách. - Dịch từ núm vú đặc biệt dịch có máu. - Vết lõm da vú hoặc dày da vú. - Đau nhức vùng vú hoặc núm vú. - Biểu hiện tụt núm vú. - Vú có sự thay đổi về kích thước và hình dáng. - Da vùng vú, quầng vú hoặc núm vú có vảy, đỏ hoặc sưng. - Vết lõm da vú giống như da quả cam gọi là sần da cam. |