Theo Dự thảo thông tư Quy chuẩn quốc gia về thiết kế cao tốc đang được Bộ GTVT lấy ý kiến, các hầm có chiều dài dưới 1km không cần bố trí điểm dừng xe khẩn cấp.
Theo Dự thảo thông tư Quy chuẩn quốc gia về thiết kế cao tốc, tốc độ thiết kế cao tốc được phân thành 3 cấp cơ bản là 80km/h, 100km/h và 120km/h. Cấp thiết kế tối thiểu 80km/h chỉ áp dụng đối với các vùng có địa hình khó khăn (vùng núi, đồi cao) hoặc trường hợp phân kỳ đầu tư.
Trường hợp cao tốc cho chạy trên 120km/h là cấp thiết kế đặc biệt. Trường hợp thiết kế dưới 80km/h được cho phép tại các vị trí đặc biệt khó khăn nhưng không nhỏ hơn 60km/h.
Dự thảo thông tư cũng yêu cầu mỗi chiều xe chạy phải có tối thiểu 2 làn, có dải phân cách giữa dải an toàn 2 bên. Các dải an toàn phải được bố trí để tạo điều kiện cho xe chạy với tốc độ cao. Ngoài ra, các dải an toàn phía lề còn để dừng xe khi thật cần thiết (còn gọi là dải dừng xe khẩn cấp).
Riêng với công trình hầm, dự thảo thông tư quy định các hầm có chiều dài dưới 1km không cần bố trí điểm dừng xe khẩn cấp. Hầm có chiều dài từ 1km trở lên phải bố trí điểm dừng xe khẩn cấp từng đoạn dài tối thiểu 30m, cách nhau tối đa 500m.
Góp ý dự thảo thông tư, một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung cấp thiết kế cao hơn cấp 120 km/h do hiện nay ngành ô tô ở Việt Nam đã phát triển, tương đồng với các nước trong khu vực và thế giới, đồng thời quy định rõ hơn về vận tốc thiết kế và vận tốc khai thác.
Trao đổi với PV VietNamNet, TS. Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông hoàn toàn ủng hộ đề xuất về tốc độ đường cao tốc mà Bộ GTVT đưa ra. Ông cho rằng đề xuất này là cơ sở để quy hoạch, thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống cao tốc, các nút giao kết nối.
Tuy nhiên, với nội dung hầm có chiều dài dưới 1km không phải bố trí điểm dừng xe khẩn cấp, TS Bình cho rằng “không ổn”, cần phải xem xét kỹ hơn.
“Hầm là không gian hẹp. Trong trường hợp không có điểm dừng khẩn cấp, nếu xảy ra sự cố thì có lối thoát không? Trong khi hầm nguy cơ nguy hiểm hơn vậy sao lại bỏ qua những rủi ro mà bỏ đi cả điểm khẩn cấp của hầm?”, TS. Phan Lê Bình đặt vấn đề.
Theo TS. Bình có thể việc bóp tiết diện hầm nhằm giảm thiểu chi phí xây dựng nhưng cách tiết kiệm này không đúng chỗ. Bởi khi có tai nạn, người tham gia giao thông không có đường thoát thì rất nguy hiểm.
Do đó, ông đề xuất nên thiết kế tiết diện hầm giống như đường cao tốc và bắt buộc phải có điểm dừng khẩn cấp.
Hiện, cả nước có gần 1.900km cao tốc. Theo kế hoạch, ngành giao thông sẽ hoàn thành 3.000km đến năm 2025 và cơ bản hoàn thành 5.000km đến năm 2030.
Trước đó, vào tháng 9/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ GTVT xây dựng quy chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc làm cơ sở để quy hoạch, thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống cao tốc, các nút giao kết nối.
Ở phần quy định về các cơ sở dịch vụ, Bộ GTVT đề xuất cứ khoảng 15-25km dọc cao tốc bố trí một chỗ dừng xe nằm ngoài phạm vi nền đường để hành khách nghỉ ngơi, ngắm cảnh và tự bảo dưỡng xe.
Cứ khoảng 50-60km bố trí một trạm dịch vụ kĩ thuật thông thường để cấp xăng, dầu, sạc điện, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn.
Cứ khoảng 120-200km bố trí một trạm dịch vụ lớn để sửa chữa phương tiện, cấp xăng, dầu, sạc điện và có nhà ăn, khách sạn, văn phòng chỉ dẫn du lịch, chỉ dẫn trung chuyển...