Không thể một lần nữa lại đứng ngoài, hoặc đi sau

“Chúng ta phải có các quyết sách đúng đắn và kịp thời, vì thời gian luôn là vàng và cũng là kẻ thù của chúng ta”, đó là điều Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 cuối tuần qua.

Người đứng đầu Bộ KH-ĐT nêu quyết tâm ấy bởi trước đó, ông đã nhận định rằng: “Thế và lực của nước ta mặc dù đã lớn mạnh hơn trước rất nhiều, nhưng nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình vẫn còn hiện hữu”.

Theo đánh giá lại quy mô nền kinh tế của Tổng cục Thống kê, quy mô nền kinh tế năm 2019 là 332 tỷ USD, GDP bình quân đầu người là 3.442 USD/người, năm 2020 dự kiến đạt khoảng 340 tỷ USD (7,99 triệu tỷ đồng) và GDP bình quân đầu người khoảng 3.490 USD. Các chỉ tiêu kinh tế tính toán cho Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 căn cứ vào số liệu đã được đánh giá lại. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%. Còn GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700-5.000 USD

{keywords}
 

Cho dù, nếu căn cứ theo con số GDP tính toán lại của Tổng cục Thống kê kể trên, quy mô kinh tế Việt Nam có tăng lên, nhưng vẫn chưa thể bắt kịp nhiều nước trong khu vực.

Trong báo cáo đánh giá kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận: Tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu kế hoạch đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách và bắt kịp các nước trong khu vực... Nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình và khả năng tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn là thách thức lớn.

Bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh vào tháng 11/2020 chỉ ra rằng: Bẫy thu nhập trung bình xảy ra khi một quốc gia phát triển chững lại hay thậm chí là trở nên trì trệ sau khi đạt tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người trong ngưỡng từ 1.000 USD đến 12.000 USD theo chuẩn của Ngân hàng Thế giới (WB).

Nhìn vào quá trình phát triển của các quốc gia khác nhau trong 60 năm qua, có thể thấy, một số quốc gia thành công trong việc duy trì tăng trưởng liên tục để chuyển đổi từ nước có thu nhập thấp lên nước thu nhập cao (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore), trong khi đó, một số quốc gia khác vẫn nằm trong mức thu nhập trung bình, chưa thể lên mức thu nhập cao (Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines).

“Giàu trước khi già”

Số liệu của WB cho thấy, năm 1966 Nhật Bản mới trở thành nước thu nhập trung bình, Singapore đạt GDP bình quân đầu người trên 1.000 USD vào năm 1971, Hàn Quốc và Malaysia cùng đạt ngưỡng này vào năm 1977, Thái Lan năm 1988 và Indonesia, Philippines năm 1995.

Đến năm 2019, GDP bình quân đầu người của các quốc gia này lần lượt là Nhật Bản: 40.248 USD, Singapore: 65.233 USD, Hàn Quốc: 31.761 USD, Malaysia: 11.414 USD, Thái Lan: 7.808 USD, Indonesia: 4.135 USD và Philippines: 3.485 USD. Như vậy, trong các nước này, chỉ có Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore trở thành nước thu nhập cao, các nước còn lại vẫn ở trạng thái thu nhập trung bình.

{keywords}
 

Nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) năm 2017 cho thấy, thời gian trung bình để một quốc gia chuyển từ nước thu nhập trung bình thấp lên thu nhập cao khoảng 30-40 năm. Hết “thời gian vàng” này, thu nhập không tăng lên, quốc gia đó chính thức bị coi là đang mắc bẫy thu nhập trung bình. 

Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình từ năm 2008, tính đến nay đã hơn 12 năm. Thời gian đang không chờ đợi Việt Nam. Những nền tảng để Việt Nam thành nước thu nhập cao vẫn còn thiếu trước hụt sau. Vì vậy, đẩy nhanh tốc độ là điều quan trọng, nhất là khi Việt Nam lại đang bước vào chặng đường phấn đấu mới, với một đích đến đầy tham vọng là thành nước thu nhập cao vào năm 2045.

Trong những lời Bộ trưởng KH-ĐT phát biểu ngày 8/1, dễ dàng nhận thấy thông điệp thúc giục về mặt thời gian được vị tư lệnh gửi đến cán bộ trong ngành.

“Với tư cách là một cơ quan tổng tham mưu trưởng, chúng ta phải kiên trì, tiên phong và đẩy nhanh việc cải cách, nghiên cứu định hướng chính sách về cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng nâng cao sức cạnh tranh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo,... Tranh thủ tận dụng nguồn lực con người để phát triển đất nước, nhất là trong giai đoạn dân số vàng, trước khi chuyển sang giai đoạn già hóa dân số”, ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Đây cũng chính là nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho Bộ KH-ĐT khi dự hội nghị 75 năm thành lập ngành mới đây. Tại hội nghị này, Thủ tướng nhắc lại thông điệp được ông nhắc đến nhiều lần trong suốt nhiệm kỳ này: “Tận dụng được cơ cấu dân số vàng, để giàu trước khi già chứ không phải già trước khi giàu”.

“Muốn đi nhanh, cần phải chọn được con đường đi đúng”, Bộ trưởng KH-ĐT nói. “Mọi chính sách phải xoay quanh hoặc hướng tới hạnh phúc của người dân, vì người dân vừa là chủ thể vừa là mục tiêu để hướng tới. Không thể một lần nữa lại đứng ngoài hoặc đi sau, đi theo một cuộc chơi mới, sân chơi mới sắp diễn ra”.

Lương Bằng