Hàng không Hải Âu thấm mệt chỉ sau một năm đơn độc khai phá thị trường hàng không chung bằng thủy phi cơ.
Tiên phong... gặp khó
“Thua lỗ rất nặng”, “giảm sút niềm tin” là những từ mà Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu Lương Hoài Nam phải dùng đến khi mô tả thực trạng doanh nghiệp mình trong văn bản chuyển đi vào cuối tháng 7/2015 gửi Ban soạn thảo các Nghị định thực hiện Luật Hàng không sửa đổi.
Trong văn bản gói gọn chưa đầy 2 trang A4, Hàng không Hải Âu - hãng bay tư nhân được cấp phép hoạt động hàng không chung, cung cấp dịch vụ bay ngoài vận tải hành khách công cộng và quân sự bằng thủy phi cơ - cho biết đã mua 3 thủy phi cơ phục vụ du lịch với chi phí khoảng 10 triệu USD; tuyển dụng người lái, kỹ sư, nhân viên các lĩnh vực và đầu tư cơ sở hạ tầng đủ cho 3 máy bay này hoạt động. Tuy nhiên, hiện các cơ quan chức năng mới chỉ cấp phép bay đến và đi 2/8 khu vực mà nhà khai thác này xin phép là Quảng Ninh và Bình Thuận.
Tổn thất của Hải Âu rất lớn, bởi riêng khấu hao, lãi vay để đầu tư đội thủy phi cơ đã đến 10 triệu USD |
“Mức độ cấp phép bay như vậy chỉ đủ để khai thác 1 máy bay, còn 2 máy bay và nhân lực đi kèm phải nằm chờ để có thêm giấy phép bay gần 1 năm nay, làm cho Hàng không Hải Âu thua lỗ rất nặng”, ông Nam nói.
Tổn thất của Hải Âu là rất lớn bởi khấu hao, lãi vay để đầu tư đội thủy phi cơ đã lên tới 10 triệu USD, chưa tính đến các chi phí thuê phi công, duy tu bảo dưỡng; duy trì bộ máy bán vé và phục vụ mặt đất. Các tỉnh còn lại trong danh sách là Khánh Hòa, Cần Thơ, An Giang, Ninh Bình, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu hiện vẫn chờ Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và Bộ Quốc phòng phê duyệt dù lãnh đạo các địa phương rất sốt sắng khi coi đây như là một giải pháp tốt kéo du khách hạng sang đến địa bàn
Có một nghịch lý là trong khi Hải Âu đang tìm cách bán hoặc cho thuê bớt máy bay ra nước ngoài để giảm lỗ thì thị trường hàng không chung trong nước mới được khai thác ở mức độ rất thấp, tụt hậu rất xa so với các nước trong khu vực. “Kết quả hoạt động của Hàng không Hải Âu trong điều kiện gặp khó khăn về phép bay làm cho các cổ đông và cán bộ, nhân viên giảm sút niềm tin vào tương lai của Hải Âu”, ông Nam, cựu Tổng giám đốc hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines và hiện là chuyên gia đầu ngành hàng không Việt Nam thừa nhận.
Ngõ hẹp pháp lý
Được biết, vướng mắc cơ bản nhất đối với hoạt động hàng không chung tại Việt Nam là thiếu quy hoạch, phân chia không phận ra các vùng không phận được kiểm soát và không phận phi kiểm soát; thiếu quy chế bay tầm thấp với cơ chế điều hành bay (trách nhiệm thuộc cơ quan điều hành không lưu bay) hoặc cơ chế hỗ trợ bay (trách nhiệm thuộc người điều khiển phương tiện bay), tương ứng với thủ tục xin phép bay hoặc thông báo bay. Điều đáng nói là, khi chưa có Quy chế bay tầm thấp, việc ra đời và hoạt động của loại hình hàng không chung phục vụ du lịch, y tế, kiểm lâm, kiểm ngư, máy bay tư nhân… sẽ gặp nhiều bướng mắc.
Theo Hàng không Hải Âu, hiện thủ tục phê duyệt một đường bay hàng không chung quá phức tạp, tốn thời gian do đòi hỏi phải có sự chấp thuận của Bộ GTVT và Quốc phòng, nên doanh nghiệp hết sức bị động. “Cách làm hiện nay ở nước ta đang ép các hoạt động bay hàng không chung vào các không phận dành cho vận tải hàng không công cộng”, ông Nam phân tích.
Ngoài khó khăn kể trên, Công ty Hải Âu cho biết thêm là hoạt động bay đang phải xin phép trước theo từng chuyến khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi khách có yêu cầu đột xuất. Thực tế, công ty này đã nhiều lần từ chối nhu cầu bay tham quan Vịnh Hạ Long với lý do không chủ động được lịch bay vì còn phụ thuộc vào vấn đề cấp phép.
Cần phải nói thêm rằng, sau đúng một năm thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên, các khó khăn vướng mắc về cơ bản vẫn y nguyên dù hãng hàng không này và một số chính quyền địa phương đã gửi hàng chục văn bản kêu khó, kiến nghị sửa đổi các quy định hiện hành về hàng không chung.
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, cơ quan quản lý nhà nước này chia sẻ với khó khăn của Hải Âu, nhưng chỉ có thể nới thêm “trần bay” nếu Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về quản lý và hoạt động bay được Chính phủ phê duyệt.
Theo một chuyên gia, Hải Âu đang tự gánh chịu rủi ro khi là người tiên phong khai phá thị trường trong bối cảnh các quy định pháp lý về thị trường hàng không chung tại Việt Nam chưa đầy đủ. “Có thể lãnh đạo Hải Âu đã lạc quan thái quá với kế hoạch vừa bay vừa vận động tháo gỡ cơ chế pháp lý. Khi cơ chế pháp lý chạy sau quá xa thực tiễn thì hãng thua lỗ là tất yếu”, vị chuyên gia này nhận định.
(Theo Báo Đầu tư)