Các hãng hàng không như ANA đang thử nghiệm ứng dụng để xác minh tình trạng tiêm vắc xin của hành khách. (Ảnh: Nikkei) |
Phó Chủ tịch hãng hàng không All Nippon Airways (ANA) Juichi Hirasawa cho biết: “Các nước khác đang có bước tiến nhanh chóng về chứng chỉ số. Nhật Bản không được tụt lại phía sau”.
Liên minh Châu Âu (EU) bắt đầu cấp chứng nhận vắc xin điện tử từ tháng 7, cho phép những người sở hữu “hộ chiếu vắc xin” không cần cách ly và không phải thực hiện quy định hạn chế di chuyển khác liên quan tới Covid-19 trong khối. Dù Nhật cũng cung cấp giấy chứng nhận tiêm vắc xin, nước này lại chỉ cấp bản giấy.
Khi đường bay quốc tế được kỳ vọng sớm hồi phục, các hãng hàng không như ANA đang thử nghiệm các ứng dụng như International Air Transport Association Travel Pass như một cách để xác minh hành khách đã tiêm vắc xin hay chưa. Tuy nhiên, họ cần chính phủ chính thức chấp nhận các ứng dụng như vậy. Tải lên hồ sơ vắc xin được quản lý bởi nhiều nhà quản lý quốc gia và địa phương khắp thế giới cũng là một thách thức lớn, đặc biệt khi tài liệu chỉ có sẵn dưới dạng vật lý như Nhật Bản.
Lý tưởng nhất là hành khách trình hồ sơ tiêm vắc xin trên các ứng dụng tại quầy check-in để tránh được các hạn chế Covid-19 tại điểm đến. Để làm được điều đó, hàng không và chính phủ phải đồng bộ hồ sơ với nhau.
ANA dự đoán cần ít nhất một năm để đưa ra khung pháp lý cần thiết. Chứng nhận giấy sẽ làm phức tạp quá trình vì chúng khó chuyển sang ngôn ngữ khác và dễ làm giả.
Hiệp hội Hàng không định kỳ Nhật Bản đang vận động nhà chức trách sớm triển khai hộ chiếu vắc xin điện tử. Theo Chủ tịch Hiệp hội Yuji Akasaka, Nhật Bản sẽ bị bỏ lại phía sau nếu theo đuổi sự hoàn hảo. Số hóa mang đến rủi ro giả mạo thấp hơn so với bản giấy.
Gần đây, chính phủ Nhật Bản thành lập cơ quan liên ngành với nhiệm vụ cấp chứng nhận điện tử trước cuối năm nay. Song, Bộ Giao thông – cơ quan quản lý ngành hàng không – lại không nằm trong nỗ lực này.
Các tổ chức như Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế đang bận rộn soạn thảo quy định tổng thể cho chứng nhận vắc xin. Nhật Bản có thể bỏ lỡ những cuộc thảo luận đó nếu chậm giới thiệu chứng chỉ kỹ thuật số.
Du Lam (Theo Nikkei)
Châu Âu chính thức áp dụng hộ chiếu vắc xin điện tử
Chứng nhận Covid kỹ thuật số châu Âu (EUDCC) chính thức có hiệu lực từ hôm nay (1/7), đối với tổng cộng 27 nước thành viên EU và một số nước đối tác khác tại châu Âu.