hai phong cho doan ket ko dung tien mat.jpg
Phường Lạch Tray (quận Ngô Quyền) triển khai mô hình “Chợ Đoàn Kết thanh toán không dùng tiền mặt”.

Hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia và ngày Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng năm 2023, huyện An Dương đã triển khai kế hoạch đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Xã An Hòa được lựa chọn là đơn vị đầu tiên triển khai xây dựng các mô hình điểm để đánh giá, rút kinh nghiệm và triển khai nhân rộng toàn huyện trong thời gian tới nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế số, xã hội số.

Sau thời gian triển khai, đến nay, xã An Hòa đã thực hiện được 8 hạng mục thanh toán không dùng tiền mặt gồm: thanh toán các khoản phí, lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính xã; chi trả lương, các khoản trợ cấp, an sinh xã hội; chi trả tiền điện, nước; xây dựng mô hình tuyến đường, chợ 4.0, khu nhà trọ thanh toán không dùng tiền mặt với gần 500 địa điểm chấp nhận thanh toán; thực hiện thanh toán, thu các khoản học phí, phí tại 100% các trường học trên địa bàn xã với trên 60% phụ huynh học sinh chi trả các khoản thu qua các ứng dụng thanh toán; 90% người dân trong độ tuổi trưởng thành có tài khoản ngân hàng, ví điện tử… trong đó có trên 4.000 thuê bao sử dụng ứng dụng Viettel Money, với tỷ lệ 54,4% thực hiện thanh toán điện tử đối với các dịch vụ thiết yếu như trả tiền điện, nước, cước viễn thông.... hoàn thành xây dựng 2 điểm nạp, rút tiền, hỗ trợ kỹ thuật tại xã An Hòa.

Việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt là điều kiện thuận lợi cho người dân ở xã An Hòa được trải nghiệm, tiếp cận những hình thức thanh toán mới, hiện đại, góp phần xây dựng các công dân số, xã hội số... Qua đó, từng bước hỗ trợ đưa phương thức thanh toán số trở thành công cụ thanh toán chủ yếu trong quá trình giao dịch mua bán hàng hóa của người dân, thanh toán phí, lệ phí trong các giao dịch giải quyết thủ tục hành chính, tạo động lực cho sự phát triển của các dịch vụ thanh toán số thông minh. 

Cùng với đó, thanh toán không dùng tiền mặt góp phần nâng cao tính minh bạch, đa dạng mạng lưới bán hàng, dần hoàn thiện cơ sở dữ liệu người tiêu dùng, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Ông Lương Thế Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện An Dương cho biết, ngay sau mô hình thí đểm tại xã An Hoà, huyện sẽ triển khai rộng ở các địa phương trong huyện nhằm thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt được sử dụng rộng rãi trong toàn huyện, góp phần xây dựng huyện An Dương trở thành đô thị thông minh, thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số của huyện, xây dựng chính quyền số, xã hội số, phát triển kinh tế số góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch chuyển đổi số của thành phố và huyện đã đề ra.

Trước đó, vào đầu tháng 4/2023, Hội Liên hiệp phụ nữ quận Dương Kinh phối hợp với UBND phường Hải Thành và VNPT Hải Phòng triển khai mô hình “Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt” tại chợ trung tâm phường Hải Thành, nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh, mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng tại các chợ, kích thích hoạt động mua sắm, góp phần xây dựng xã hội số, kinh tế số theo mục tiêu chương trình chuyển đổi số trên địa bàn. Qua đó, tạo cơ hội cho người dân, các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ thích ứng nhanh với những thay đổi của công nghệ số, sử dụng công nghệ số; giúp người dân, hộ tiểu thương trải nghiệm và tiếp cận với các phương thức hiện đại không dùng tiền mặt.

Tại phường Lạch Tray (quận Ngô Quyền) cũng triển khai mô hình “Chợ Đoàn Kết thanh toán không dùng tiền mặt” với kỳ vọng mang đến môi trường số hóa tài chính đơn giản, an toàn, tiện lợi, phù hợp với tiểu thương và người dân, xóa bỏ những giới hạn và mang đến tiện ích trong giao dịch thanh toán.

Chợ Đoàn Kết, phường Lạch Tray là chợ dân sinh truyền thống được hình thành từ lâu, chợ có hơn 80 tiểu thương kinh doanh buôn bán đa dạng các mặt hàng như: giày, dép, vải vóc, quần áo, gội đầu, hàng mã, đồ khô, hoa quả, thịt, cáthực phẩm tươi sống… Việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ sẽ giúp cho tiểu thương và người dân thực hiện giao dịch khi mua bán hàng hóa tại chợ bằng cách quét mã QRcoe, hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng Viettel Money một cách nhanh chóng và thuận tiện. Người dân có thể thoải mái đi chợ mà không còn những trở ngại như mang theo tiền lẻ, tính toán tiền thừa…

Trước đó nữa, để tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đến các tiểu thương kinh doanh tại chợ truyền thống, tháng 10/2022, chợ Lương Văn Can (phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền) đã triển khai mô hình “Chợ thanh toán không dùng tiền mặt”. Đến thời điểm hiện tại, chợ đã phát sinh gần 3.300 giao dịch với tổng số tiền giao dịch gần 1,5 tỷ đồng….

Ngoài các chợ trên,  còn có một số chợ khác như: Cát Bi, Tam Bạc, Quán Toan...  Đặc biệt, từ tháng 12/2022 tới nay, Thành Đoàn thành phố đã triển khai mô hình “Chợ dân sinh chuyển đổi số và khu phố 4.0” tại 4 chợ trên địa bàn quận Kiến An và Lê Chân.

Trong năm 2023, Ban Thường vụ Thành đoàn hướng tới mục tiêu xây dựng 75 mô hình “Chợ dân sinh chuyển đổi số hoặc khu phố 4.0” trên địa bàn thành phố, phấn đấu mỗi phường, thị trấn có ít nhất 1 mô hình.​

cho khong tien mat.jpg
Việc đi chợ không sử dụng tiền mặt đang dần trở nên phổ biến ở hầu khắp các chợ truyền thống, chỉ cần quét mã QRcode ngay tại sạp hàng là việc giao dịch đã hoàn tất. 

Đẩy nhanh lộ trình thanh toán không dùng tiền mặt

Hiện nay, mô hình chợ 4.0, chợ thanh toán không dùng tiền mặt hay khu phố 4.0, phố không dùng tiền mặt… đang được thành phố Hải Phòng triển khai rộng rãi không chỉ ở thành phố mà còn nhân rộng ở các vùng nông thôn.

Mô hình này đang là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên số, là hoạt động tiêu dùng thông minh, giúp nâng cao tính chính xác, thuận tiện và nhanh chóng trong từng giao dịch, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển thương mại điện tử.

Việc đi chợ không sử dụng tiền mặt đang dần trở nên phổ biến ở hầu khắp các chợ truyền thống, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người sử dụng. Việc sử dụng mã QR trong thanh toán sẽ giúp các tiểu thương cũng như người dân đi chợ được tiếp xúc với công nghệ số, giảm thiểu rủi ro như tiền rách, tính toán tiền thừa, hạn chế mất cắp… đồng thời thúc đẩy việc sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ngay cả trong những giao dịch hàng ngày.

Tuy nhiên, để việc triển khai số hóa trong thanh toán tại các chợ truyền thông đạt mục tiêu bền vững, thời gian tới rất cần sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của các cấp chính quyền, đoàn thể bằng việc khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là đội ngũ tiên phong sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt; đồng thời áp dụng quy định đối với các hộ kinh doanh, tiểu thương phải có điểm chấp nhận thanh toán 4.0, mã QR để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Tại Hải Phòng, ngày càng nhiều người dân chọn hình thức thanh toán trực tuyến qua Internet banking hoặc Mobile banking. Để phục vụ khách hàng kịp thời, các ngân hàng, tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian trên địa bàn thành phố đã nhanh chóng nâng cấp hạ tầng kĩ thuật, dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.

Giám đốc NHNN chi nhánh Hải Phòng Nguyễn Thị Dung, cho biết, để đẩy nhanh lộ trình thanh toán không dùng tiền mặt, thành phố Hải Phòng và NHNN chi nhánh Hải Phòng đang tích cực chỉ đạo các đơn vị cung ứng dịch vụ tiếp tục phối hợp, chuẩn hoá cơ sở dữ liệu, nâng cấp hạ tầng kĩ thuật kết nối, chia sẻ thông tin với tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để thực hiện thu phí dịch vụ bằng phương tiện thanh toán điện tử. Các dịch vụ chấp nhận và sử dụng các phương tiện thanh toán đện tử; khuyến khích tham gia thanh toán điện tử trong thương mại điện tử; chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán nhằm tạo nềm tin cho khách hàng.

Ngọc Dũng và nhóm PV, BTV