Báo cáo cho thấy, số dư Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp tại SCIC và tại các công ty mẹ của tập đoàn, tổng công ty nhà nước đến 31/12/2017 là 112.513 tỷ đồng.

Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước phát hiện hàng loạt thiếu sót trong việc quản lý và sử dụng Quỹ.

Cụ thể, một số địa phương hạch toán số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn của các tổng công ty trực thuộc UBND tỉnh, thành phố tại tài khoản ngân sách địa phương hoặc tài khoản tạm thu ngân sách, đến 31/12/2017 chưa nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp là 1.544 tỷ đồng.

{keywords}
Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy sử dụng Quỹ vào hoạt động kinh doanh, nhưng kinh doanh thua lỗ tiềm ẩn rủi ro mất vốn. Ảnh: Lương Bằng

Một số doanh nghiệp chậm nộp tiền thu từ cổ phần hóa về Quỹ và chưa tính, hạch toán lãi chậm nộp theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP.

Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chưa theo dõi phải thu khoản tiền ứng cho ngân sách nhà nước để sử dụng cho 5 bệnh viện, không theo dõi đầy đủ đối tượng và hạch toán kịp thời số tiền phải nộp về Quỹ; hạch toán không đúng tiền lãi chậm nộp, không xử lý dứt điểm việc thu hồi nợ gốc và lãi chậm nộp.

Ngoài ra, theo Kiểm toán Nhà nước, một số tập đoàn, tổng công ty chưa tính và hạch toán đầy đủ lãi chậm nộp theo quy định tại Thông tư số 10/2013/TT-BTC số tiền 7,9 tỷ đồng; chưa xác định đầy đủ các khoản phải nộp, hạch toán không đúng các khoản thu khác về Quỹ, không mở tài khoản tiền gửi riêng của Quỹ tại ngân hàng thương mại theo quy định.

Kiểm toán Nhà nước cho biết: Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy và Tổng công ty Lương thực miền Nam sử dụng Quỹ vào hoạt động kinh doanh nhưng kinh doanh thua lỗ, tiềm ẩn rủi ro mất vốn.

Còn Tổng công ty Giấy Việt Nam sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa để tăng vốn điều lệ 21 tỷ đồng nhưng chưa có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sử dụng 45 tỷ đồng của Quỹ để góp vốn vào Cảng Đình Vũ không đúng quy định...

Kiểm toán Nhà nước đề nghị Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về quản lý, sử dụng tiền thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng: Tập trung nguồn thu Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển để quản lý và sử dụng hiệu quả, tạo nguồn lực lâu dài để chi đầu tư phát triển, các dự án trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đồng thời, bổ sung vốn điều lệ và duy trì tỷ lệ phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước, không sử dụng cho chi thường xuyên của ngân sách nhà nước.

Lương Bằng