Giữa tuần trước, hãng sản xuất thiết bị đeo và đồng hồ thông minh Garmin đã bị tin tặc tấn công khiến nhiều dịch vụ bị ảnh hưởng.

Sau vụ tấn công mạng này, Garmin đã phải vô hiệu hóa hàng loạt dịch vụ của mình để khắc phục sự cố, bao gồm việc tạm ngưng dịch vụ đồng bộ hóa dữ liệu người dùng Garmin Connect, dịch vụ cơ sở dữ liệu hàng không của Garmin và thậm chí phải ngưng một số dây chuyền sản xuất tại các nhà máy ở châu Á.

Tới sáng 27/7, tình trạng ứng dụng Garmin Connect bị "văng" ra khi khởi động được nhiều người dùng ghi nhận. Ứng dụng này vẫn "chết", không thể hoạt động.

“Chúng tôi hiện đang gặp sự cố ảnh hưởng đến Garmin.com và Garmin Connect, khiến dịch vụ ngừng hoạt động. Sự cố này cũng ảnh hưởng đến trung tâm hỗ trợ của chúng tôi, khiến chúng tôi không thể nhận được bất kỳ cuộc gọi, email hoặc trò chuyện trực tuyến nào từ người dùng”, Garmin thông báo trên trang web cũng như tài khoản Twitter chính thức của mình.

{keywords}
Dịch vụ Garmin Connect bị lỗi và không thể sử dụng được trong nhiều ngày qua

Những tưởng sự cố chỉ tạm thời và kéo dài trong thời gian ngắn, nhưng cho đến thời điểm này (27/7), Garmin vẫn chưa thể khắc phục được sự cố, điều này khiến người dùng không thể sử dụng dịch vụ Garmin Connect để đồng bộ hóa quãng đường chạy, đạp xe hoặc quá trình tập luyện của mình.

Sự cố này ảnh hưởng đến người dùng toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam. Nhiều người dùng Garmin cho biết họ không thể lưu lại quá trình tập luyện của mình thông qua Garmin Connect như trước đây. Khi truy cập vào ứng dụng Garmin Connect trên smartphone, người dùng chỉ nhận được thông báo ứng dụng đang được bảo trì.

Garmin là loại đồng hồ chuyên sâu cho các hoạt động thể thao ngoài trời hiện được nhiều người dùng Việt Nam ưa thích. Tuy nhiên thời gian qua rất nhiều người dùng phản ánh về các lỗi phát sinh, như đo không chính xác hoặc lỗi phần mềm. Sự cố trên diện rộng vừa qua cũng được người dùng ở khắp các diễn đàn về chạy bộ phản ánh.

Garmin bị tin tặc tấn công đòi tiền chuộc?

Sau khi Garmin thông báo tạm ngưng nhiều dịch vụ để bảo trì từ ngày 23/7 vừa qua, trang công nghệ ZDNet đã liên hệ để tìm hiểu về nguyên do sự cố, đại diện của Garmin đã từ chối xác nhận việc công ty bị tin tặc tấn công bằng mã độc đòi tiền chuộc (ransomware) và cho biết đang tiếp tục tiến hành điều tra vụ việc.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, nhiều nhân viên của Garmin đã chia sẻ lên mạng xã hội các thông tin về cuộc tấn công mạng và cho biết công ty đã bị tin tặc tấn công đòi tiền chuộc. Các nhân viên của Garmin đã được yêu cầu tắt máy tính của họ vì mã độc tống tiền đang lây lan nhanh chóng trên hệ thống mạng nội bộ.

Ransomware (Mã độc tống tiền) là loại mã độc khi được lây nhiễm vào máy tính của nạn nhân sẽ tự động mã hóa các dữ liệu quan trọng trên đó và yêu cầu nạn nhân phải trả tiền chuộc để được hướng dẫn cách giải mã.

Trang công nghệ BleepingComputer dẫn lời các nguồn tin thân cận cho biết Garmin đã bị loại ransomware nguy hiểm có tên WastedLocker tấn công. Đây là loại mã độc chỉ mới được xuất hiện trong đầu năm nay, được xây dựng và phát tán bởi nhóm tin tặc có tên Evil Group. Khi dính loại mã độc tống tiền này, các công ty có thể phải trả số tiền hàng chục triệu USD để phục hồi lại các dữ liệu đã bị mã hóa.

Hiện Garmin vẫn chưa đưa ra bình luận và xác nhận gì về việc công ty bị mã độc tống tiền tấn công, nhưng rõ ràng với những gì đang diễn ra, Garmin đang gặp phải những vấn đề hết sức nghiêm trọng và có thể phải tốn thêm nhiều thời gian để có thể khắc phục hoàn toàn.

Trong khi chờ các dịch vụ của Garmin được khôi phục, nhiều người đã phải sử dụng các ứng dụng khác như Strava để lưu lại quá trình tập luyện của mình, nhưng người dùng cần phải thực hiện quá trình này một cách thủ công bằng cách kết nối thiết bị với máy tính.

Theo đánh giá của các chuyên gia công nghệ và bảo mật, ransomware là loại mã độc có thể gây thiệt hại lớn và nghiêm trọng nhất hiện nay cho nền kinh tế trên toàn cầu. Gần đây nhất, vào tháng 6 vừa qua, hãng xe Nhật Bản Honda cũng là nạn nhân của một loại mã độc tống tiền, buộc công ty phải dừng một số dây chuyền sản xuất tại bắc Mỹ và ảnh hưởng đến quá trình hoạt động tại Mỹ và Nhật Bản.

Theo Dantri/ZDNet/BleepingComputer

Hacker Trung Quốc 10 năm moi 'thùng rác' đánh cắp bí mật thương mại Mỹ

Hacker Trung Quốc 10 năm moi 'thùng rác' đánh cắp bí mật thương mại Mỹ

Không chỉ có bí mật về vaccine, những hacker Trung Quốc còn lấy được nhiều thiết kế vũ khí cũng như các game chưa ra mắt.