Ngày 29/10, tại Diễn Đàn đổi mới sáng tạo ngành y tế do Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch Đầu tư tổ chức, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nhung -  Bệnh viện Nhi Trung ương đã giới thiệu về mô hình "Nối dài chăm sóc sức khỏe cộng đồng" hay còn gọi mô hình ECHO. Đây là chương trình sáng tạo hỗ trợ y tế từ xa nhằm tạo sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

370144801-1281428329238602-7913015311334529150-n.jpg
Bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương khám cho trẻ em tại huyện Mộc Châu, Sơn La. 

Mô hình ECHO ra đời từ năm 2003 do một chuyên gia về truyền nhiễm tại Hoa Kỳ sáng lập nhằm ứng phó với dịch bệnh viện gan C với 28.000 người mắc bệnh tại vùng sâu, vùng xa tại bang New Mexico. Từ đó mô hình đã được nhân rộng trên 195 quốc gia tại 6 châu lục với 1000 trung tâm với 33 siêu trung tâm. 

Năm 2019, Bệnh viện Nhi trung ương đã trở thành trung tâm của ECHO; tới năm 2022 trở thành 1 siêu trung tâm cùng chung sứ mệnh và tầm nhìn với ECHO trong chiến lược chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tạo sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe trẻ em tại các vùng miền, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kém phát triển.

Mục tiêu cụ thể của mô hình ECHO là nâng cao năng lực để dự phòng, sàng lọc, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý chuyên khoa nhi cho các bác sĩ tại cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện. Xây dựng mô hình ứng phó với dịch bệnh và phương thức điều trị các bệnh mãn tính, bệnh đặc thù tại địa phương.

Hiện tại, mô hình đã kết nối 500 bệnh viện trong đề án khám chữa bệnh từ xa, phối hợp 18 bệnh viện vệ tinh để tổng hợp số liệu báo cáo về mô hình bệnh trẻ em, tỷ suất tử vong tại địa phương đặc biệt là tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Theo bác sĩ Lê Hồng Nhung, sử dụng mô hình ECHO trong xây dựng cộng đồng học tập nhi khoa với 30 chuyên khoa khác nhau, áp dụng ECHO trong các chương trình trực tuyến với các chủ đề về các bệnh dịch tái nổi, mới nổi như Covid-19, tay chân miệng, ho gà, cúm, sốt xuất huyết, bạch hầu nhằm ứng phó kịp thời dịch bệnh tại địa phương.

Sau 4 năm triển khai chương trình ECHO bệnh viện đã thực hiện 42 khóa học đào tạo trực tuyến, cấp CME cho hơn 6000 nhân viên tế trong hệ thống khám chữa bệnh từ xa và hệ thống bệnh viện vệ tinh. Như vậy, có ít nhất 180 nghìn trẻ em sẽ được khám chữa bệnh mỗi ngày, khoảng 60 triệu lượt khám cho trẻ em hằng năm từ nguồn nhân lực được đào tạo, triển khai kỹ thuật từ Bệnh viện Nhi Trung ương góp phần cải tạo chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh nhi khoa tại tuyến cơ sở. 

Nhờ khám chữa bệnh từ xa, Bệnh viện Nhi trung ương đã giúp nhiều trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, kém phát triển được chăm sóc sức khỏe y tế.

Trần Huệ và nhóm PV, BTV