Cấp quận, huyện được giao, cho thuê đất công xen kẹt
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM đang lấy ý kiến dự thảo quy định về rà soát, công bố công khai, lập danh mục các thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt do nhà nước quản lý và việc giao, cho thuê các thửa đất này.
Trước đó, việc rà soát, lập danh mục, giao và cho thuê các thửa đất công nhỏ hẹp, xen kẹt tại TPHCM được thực hiện theo Quyết định số 37 ban hành ngày 5/9/2023.
Tuy nhiên, căn cứ Luật Đất đai năm 2024 và nghị định liên quan, các tiêu chí xác định, giao và cho thuê các thửa đất công nhỏ hẹp, xen cài tại Quyết định số 23 không còn phù hợp. Trước đây, quy định có 15 điều nhưng dự thảo chỉ còn 11 điều.
Ngoài các tiêu chí xác định khu đất, thửa đất công nhỏ hẹp, nằm xen kẹt, dự thảo đang được lấy ý kiến còn quy định những nguyên tắc giao đất, cho thuê các thửa đất.
Theo quy trình, vào quý 2 hàng năm, UBND cấp xã sẽ rà soát, lập danh mục các thửa đất công nhỏ hẹp, nằm xen kẹt và sau đó phải niêm yết công khai danh mục này.
Đồng thời, UBND cấp xã phải thông báo bằng văn bản cho người sử dụng đất liền kề biết để có ý kiến về phương án đề xuất sử dụng thửa đất nhỏ hẹp vào mục đích công cộng, giao hoặc cho thuê; lấy ý kiến về diện tích, ranh giới, hiện trạng…
Sau khi kết thúc niêm yết, UBND cấp xã lập biên bản, tổng hợp và báo cáo UBND cấp huyện. Tiếp đó, UBND cấp huyện sẽ chỉ đạo với các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát để tổng hợp danh mục làm cơ sở phê duyệt.
Căn cứ kết quả phê duyệt này, đồng thời sau khi kế hoạch sử dụng đất hàng năm được duyệt và việc quản lý, sử dụng các thửa đất công nhỏ hẹp, xen kẹt được niêm yết công khai, UBND cấp huyện sẽ xem xét quyết định.
Đối với các thửa đất sử dụng vào mục đích công cộng, UBND cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị liên quan quản lý, thực hiện theo quy định.
Đối với các thửa đất mà việc giao, cho thuê cho người sử dụng liền kề thuộc thẩm quyền, UBND cấp huyện được quyết định. Còn nếu thuộc thẩm quyền của UBND TP thì Sở TN-MT sẽ hướng dẫn thực hiện.
Hàng trăm dự án bất động sản được gỡ vướng
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA), cho biết, những năm qua, đất công xen kẹt là nguyên nhân khiến cho hàng trăm dự án nhà ở thương mại tại TPHCM gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý. Tỷ lệ đất công thường chiếm 10% quỹ đất dự án.
Thống kê, giai đoạn 2015 – 2018, TPHCM có 126 dự án bất động sản có quỹ đất hỗn hợp. Phần lớn các dự án này nằm ở quận ven và huyện ngoại thành, nguồn gốc đất do đền bù đất nông nghiệp, đất chuyên dùng.
Theo ông Châu, trước năm 2008, TPHCM có quy định “quy gom” các diện tích đất công nằm rải rác, xen kẹt trong các dự án bất động sản, nhà ở thương mại và hoán đổi bằng 8% (sau này là 15%) đất ở, đất kinh doanh của dự án đã có cơ sở hạ tầng để nhà nước sử dụng hoặc bán đấu giá mang lại nguồn thu ngân sách.
Cách làm trên đã bị “tuýt còi”, không được thực hiện kể từ năm 2008. Tuy nhiên, Chủ tịch HoREA cho rằng với những quy định tại Điều 124 của Luật Đất đai năm 2024 thì có thể vận dụng vào thực tiễn hiện nay.
Theo ông, vấn đề cần xem xét là quy định về tỷ lệ hoán đổi, để không làm thất thu ngân sách, thất thoát tài sản công. Cơ quan chức năng có thể xem xét phương án tỷ lệ hoán đổi đất công xen kẹt trong dự án bất động sản, nhà ở thương mại bằng 18% diện tích đất ở, đất kinh doanh của dự án đã có cơ sở hạ tầng.
Hoặc hoán đổi đất công xen kẹt bằng diện tích đất ở, đất kinh doanh của dự án đã phê duyệt và chủ đầu tư được nhà nước hoàn trả kinh phí đã đầu tư cơ sở hạ tầng.