- Nhóm VK - một nhóm Việt kiều hoạt động phi lợi nhuận ở TPHCM - tiếp tục nối dài danh sách số lượng cầu xây mới trong phong trào 'bê tông hóa cầu khỉ' ở ĐBSCL do nhóm khởi xướng. Cây cầu số 187 xây ở Long An chuẩn bị được nhóm khánh thành trong tháng này.
'Đây là món quà Tết chúng tôi dành tặng bà con' - Trưởng nhóm, ông Nguyễn Văn Công (Việt kiều Pháp) chia sẻ tại hội nghị tổng kết công tác đối với người VN ở nước ngoài năm 2014 của UB về người VN ở nước ngoài thành phố.
Ông Nguyễn Văn Công |
Nhắc đến cây cầu mới thứ 187, ông Công bồi hồi nhớ lại 11 năm trước, khi nhóm VK - cái tên được đặt giản dị theo hai chữ cái viết tắt của "Việt kiều" gồm những kiều bào ở Canada, Mỹ, Pháp, Nhật, Úc - bắt đầu khởi động một chương trình từ thiện với ước mơ: bê tông hóa cầu khỉ ở ĐBSCL.
Ông Công vẫn nhớ hai hình ảnh lần đầu ông bắt gặp cách đây 11 năm khi đến các tỉnh quanh TPHCM.
Đó là hình ảnh một cô giáo ở Bến Tre cheo leo đi trên chiếc cầu khỉ tay cầm không chỉ cặp mà cả một túi nilon nhỏ đựng một bộ quần áo - dùng đề phòng nếu bị ngã xuống cầu ướt. Và một học trò nhỏ xíu ở An Giang đi chông chênh trên chiếc cầu khỉ nhưng trên vai phải vác cả chiếc xe đạp.
Hình ảnh khiến ông và bạn bè tâm tư suy nghĩ. Và họ đã bắt tay khởi động một chương trình xây cầu bê tông, xóa cầu khỉ, bằng chính tiền túi của mình và kêu gọi hỗ trợ từ các kiều bào khác sinh sống ở các nước trên thế giới.
Ban đầu nhóm chỉ đặt mục tiêu xây 10 cây cầu trong ba năm. Nhưng sau ba năm, số cầu vượt định mức là 16.
Bê tông hóa, xóa cầu khỉ đã trở thành một phong trào. Không chỉ có kiều bào, bạn bè, chính quyền địa phương đã cùng xúm tay vận động mạnh thường quân hỗ trợ.
Hàng chục, hàng trăm và nay cây cầu mới nhất chạm số 187 đã được xây dựng. Ông Công làm một so sánh nho nhỏ, sau 11 năm, tổng chiều dài các cây cầu đã xây nếu được nối lại dài tới 4839 thước, gấp hai lần cầu Cần Thơ.
Những cây cầu nối hai bờ sông rạch không chỉ nối mơ ước được đi lại thuận tiện, an toàn, nhất là mùa nước lũ, mà còn tạo điều kiện tăng cường phát triển kinh tế, xã hội, đổi mới bộ mặt vùng sông nước...
Hoạt động của nhóm VK là một trong rất nhiều hoạt động của kiều bào trở về quê hương, không chỉ ở lĩnh vực đầu tư, kinh doanh mà cả các hoạt động từ thiện, xã hội trong nhiều năm qua.
Hàng trăm kiều bào hồi hương
Bản báo cáo tổng kết hoạt động của năm 2014 do Phó Chủ nhiệm UB về người VN ở nước ngoài của TPHCM Trần Hoàng Phương tổng kết tại hội nghị cho thấy sự năng động, tích cực với nhiều hoạt động đa dạng của công tác kiều bào ở nơi được coi là "trung tâm kiều bào" lớn nhất cả nước này.
Hàng trăm Việt kiều hồi hương về TPHCM hàng năm |
Ông Phương dẫn con số thống kê của phòng quản lý xuất nhập cảnh - công an thành phố cho hay, trong năm qua, đã có 756.974 lượt kiều bào về nước qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, số kiều bào tạm trú tại thành phố là 881.483 lượt, có 309 kiều bào hồi hương về thành phố.
UB đã đón tiếp gần 1.100 lượt kiều bào và thân nhân đến liên hệ để tìm hiểu về các chính sách, pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, lao động, cư trú, nhà đất, thừa kế, quốc tịch, di chuyển tài sản về nước khi được phép hồi hương...
Theo đánh giá, đầu tư của người VN ở nước ngoài về nước tiếp tục tăng mặc dù kinh tế thế giới diễn biến phức tạp.
Quy mô các dự án ngày càng mở rộng, phát triển. Thống kê áp chót năm của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho hay, lượng kiều hồi chuyển về chỉ riêng TPHCM đạt 5 tỷ đô la Mỹ (so với hơn 12 tỷ đô la kiều hối của cả nước).
Số lượng kiều hối đổ về TPHCM cũng đóng góp cho tổng lượng kiều hối chung cả nước trong 20 năm qua tăng đáng kể.
Theo thống kê, trong 20 năm qua, tổng lượng kiều hối đạt khoảng gần 97 tỷ đô la Mỹ, bình quân đạt khoảng 4,4 tỷ đô la Mỹ/năm, chiếm 6,8% GDP trong thời gian tương ứng. Đưa VN trở thành một trong những quốc gia trong nhóm hàng đầu của thế giới về thu hút kiều hối.
Tại hội nghị, GS.TS Đặng Lương Mô, kiều bào Nhật nhắc lại một đề xuất cách đây 5 năm khi ông trở lại TPHCM đó là tổ chức mạng lưới chuyên gia Việt kiều hoạt động. Đến nay đề xuất đó vẫn chưa thành hiện thực.
Tuy nhiên ông đang chờ đón ý tưởng thiết lập một mạng lưới quy mô hơn tổ chức mạng lưới các chuyên gia việt kiều. GS Mô đánh giá cao chính sách thu hút chuyên gia của thành phố, trong đó chủ trương trả thù lao xứng đáng cho các chuyên gia trí thức kiều bào.
Phó Chủ nhiệm UB về người VN ở nước ngoài của TPHCM cho hay, đội ngũ trí thức người VN ở nước ngoài luôn được đánh giá là nguồn lực quan trọng cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Trong năm qua, UB đã phối hợp các cơ quan chức năng lên ý tưởng tổ chức một cuộc gặp gỡ trí thức kiều bào đang hợp tác, làm việc tại thành phố với lãnh đạo thành phố. Dự kiến cuộc gặp sẽ được tổ chức vào đầu năm 2015.
Thành phố kỳ vọng đây sẽ là dịp để kiều bào gặp gỡ, có những ý kiến, kiến nghị hoặc hiến kế với lãnh đạo thành phố nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tham gia xây dựng và phát triển thành phố.
Xuân Linh