Thông tin trên được lãnh đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM chia sẻ trong buổi kiểm tra của đoàn công tác Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh tại TP.
Theo đó, bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho hay, dịp Tết nguyên đán vừa qua, bệnh viện đã có 496 người tiêm do bị chó cắn, 55 người bị mèo cào, 8 người bị chuột cắn, 29 người bị động vật có vú khác cắn, 84 lượt vắc xin phòng uốn ván đơn.
Theo bác sĩ Dũng, nguyên nhân việc tiêm phòng dại cao có thể vì người dân đến nhà nhau chúc Tết, bị chó tấn công. Bên cạnh đó, hầu hết cơ sở tiêm chủng, phòng khám trên địa bàn TP nghỉ nên người dân đều tiêm vắc xin phòng dại ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Vì thế, bác sĩ Dũng cho rằng, số liệu tiêm phòng dại tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới có thể xem là con số chung của TP trong dịp nghỉ Tết.
Về tình hình Covid-19, Khoa Nhiễm D của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tiếp nhận bệnh nhân nặng từ các nơi của TP.HCM chuyển về. Số lượng ca Covid-19 tại đây giảm dần trong đợt Tết. Công suất khoa là 70 giường, cao điểm có 35 ca Covid-19 nặng nhưng những ngày nghỉ chỉ khoảng 15-17 ca, giảm dần hiện còn 3 ca Covid-19 nặng.
"Đây là tín hiệu đáng mừng về dịch Covid-19 tại TP.HCM", bác sĩ Dũng nói.
Trong khi đó, số ca khám sốt xuất huyết vẫn rất cao, tuần qua có đến 300 lượt khám tại bệnh viện này. Số ca sốt xuất huyết người lớn phải nhập viện là 221 ca, cao hơn so với trẻ em (79 ca).
Ngoài ra, bệnh viện cũng sẵn sàng các kịch bản, chuẩn bị cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, nhân sự chuẩn bị cho các tình huống tai nạn, thảm họa, rút kinh nghiệm từ nguy cơ về thảm họa như đợt lễ Halloween tại Hàn Quốc vừa qua.