Báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) ngày 27/1, tức mùng 6 Tết Quý Mão, sau 7 ngày nghỉ Tết (từ sáng 29 đến sáng mùng 6), có gần 3.500 ca khám, cấp cứu vì đánh nhau, giảm 1,5% so với Tết năm 2022. Gần 1.500 ca (chiếm 43% tổng ca khám vì loại hình tai nạn này) phải nhập viện điều trị theo dõi và có 11 trường hợp tử vong.

Trong kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, trung bình mỗi ngày có 500 ca khám, cấp cứu. Riêng từ sáng mùng 5 đến sáng mùng 6 có 379 ca vào viện (thấp nhất trong đợt nghỉ Tết); 171 người trong số này phải nhập viện điều trị, có thêm một người tử vong vì đánh nhau. 

Về tai nạn giao thông, Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho hay số ca khám, cấp cứu và nhập viện tăng so với Tết năm ngoái, trong khi số tử vong lại giảm. Cụ thể, gần 30.000 ca khám, cấp cứu liên quan tai nạn giao thông, tăng 10,4% so với cùng kỳ Tết năm ngoái.

Trong đó, gần 11.000 trường hợp phải nhập viện điều trị (tăng 15%), 235 người tử vong vì tai nạn giao thông, giảm 7% so với Tết 2022. 

Thầy thuốc Bệnh viện Việt Đức xem bệnh án, đánh giá tình trạng sức khỏe bệnh nhân vào viện cấp cứu vì tai nạn giao thông dịp Tết Quý Mão. Ảnh: ND

Riêng từ sáng mùng 5 đến sáng mùng 6, trong ngày nghỉ Tết Quý Mão cuối cùng, nhiều người dân di chuyển, trở lại thành phố, hơn 3.200 ca khám, cấp cứu vì tai nạn giao thông và 17 người tử vong.

Cùng ghi nhận sự gia tăng là số ca cấp cứu do ngộ độc, rối loạn tiêu hóa và tai nạn liên quan đến pháo, vật liệu nổ.

Theo đó, tổng 7 ngày có 813 ca khám, cấp cứu (tăng 31% so với cùng kỳ Tết năm trước). Hai ca tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu (tự tử). 405 bệnh nhân khám, cấp cứu vì tai nạn pháo nổ, pháo hoa (tăng 50%), 34 ca vào viện vì tai nạn vũ khí, vật liệu nổ tự chế (tăng hơn 10%) với hai ca tử vong.

Về tai nạn lao động, sinh hoạt, trong 7 ngày nghỉ có gần 14.000 ca khám, cấp cứu, 23 ca tử vong.