Tháng 10/2021, CEO công ty Alex Mashinsky nói rằng, quỹ cho vay này đang quản lý số tài sản lên tới 25 tỷ USD. Thậm chí đến thời điểm tháng 5, khi thị trường tiền mã hoá đỏ lửa, Celsius vẫn nắm trong tay khoảng 11,8 tỷ USD và cho vay tổng cộng 8 tỷ USD.
Sự sụp đổ của Celsius là vụ phá sản lớn thứ 3 của hệ sinh thái crypto trong vòng 2 tuần và đang được ví như Lehman Brothers của thị trường tiền điện tử, sự kiện báo trước cho cuộc khủng hoảng tài chính và thế chấp nợ năm 2008 tại phố Wall.
Số phận các khách hàng
Ba tuần sau khi Celsius dừng việc thanh toán rút tiền “do điều kiện thị trường khắc nghiệt”, và ít ngày trước khi công ty nộp đơn phá sản, website chính thức của nền tảng cho vay vẫn đăng quảng cáo trả lợi tức theo tuần với lãi suất gần 19%/năm.
Những lời hứa hẹn như vậy đã thu hút nhiều người dùng mới. Vào tháng 6, Celsius cho biết công ty đã có 1,7 triệu khách hàng.
Hồ sơ phá sản của nền tảng này cho thấy công ty có hơn 100.000 chủ nợ, trong đó một số người đã cho Celsius vay tiền mặt mà không có bất kỳ tài sản thế chấp hỗ trợ nào. Danh sách 50 chủ nợ không có tài sản đảm bảo, gồm công ty thương mại Alameda Research của Sam Bankman-Fried, cùng 1 số công ty đầu tư trụ sở tại Cayman nhiều khả năng sẽ trong danh sách ưu tiên khi quá trình thanh lý tài sản bắt đầu.
Sau khi nộp đơn, Celsius giải thích rằng “hầu hết hoạt động của tài khoản sẽ tạm dừng cho tới thông báo tiếp theo” và công ty “không cho phép khách hàng rút tiền ở thời điểm này”.
Điều này có nghĩa khách hàng cá nhân sẽ không thể truy cập số tiền mã hoá của họ, cũng như không biết có được bồi thường hay không. Kể cả trong trường hợp được đền bù, quá trình thanh toán này cũng sẽ mất nhiều năm và không rõ ai là người đầu tiên được nhận.
Không chỉ vậy, Celsius cũng “cài cắm” nội dung trong trường hợp phá sản rằng, “các tài sản kỹ thuật số có thể sẽ không thể thu hồi” và khách hàng “có thể không có quyền hoặc cơ sở pháp lý liên quan đến nghĩa vụ của Celsius”.
Không giống như hệ thống ngân hàng truyền thống, hiện chưa có các biện pháp chính thức để bảo vệ người tiêu dùng khi xảy ra sự cố trong hệ sinh thái crypto. Dựa trên điều khoản sử dụng của Celsius, tiền của khách hàng gửi vào nền tảng này chỉ được coi là các khoản cho vay không đảm bảo.
Con đường sụp đổ
Đối với trường hợp của Celsius, việc hứa hẹn trả lợi nhuận hàng năm cao 2 con số là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ.
“Họ đã trợ cấp và chịu lỗ để thu hút khách hàng. Lợi tức thanh toán là giả và đã được trợ giá. Về cơ bản, họ đã thu lợi nhuận như mô hình đa cấp Ponzi”, Nic Carter của Castle Island Venture cho biết.
Không chỉ vậy, quỹ này đã dùng tiền gửi để đầu tư vào các nền tảng hứa hẹn trả lợi tức cao ngất ngưởng để giữ mô hình kinh doanh của nền tảng tiếp tục phát triển.
Theo The Block, Celsius đầu tư ít nhất nửa tỷ USD vào Anchor, một nền tảng cho vay hàng đầu UST, đồng ổn định hiện đã thất bại. Anchor cũng hứa hẹn trả lãi suất 20% hàng năm dựa trên số lượng UST nhà đầu tư nắm giữ.
Celsius là một trong nhiều nền tảng sử dụng tiền mặt với Anchor, góp phần tạo ra hiệu ứng domino sau khi đồng ổn định này sụp đổ vào tháng 5 vừa qua.
“Họ phải tạo ra lợi nhuận nên đã chuyển tài sản vào những công cụ rủi ro không thể phòng ngừa”, Nik Bhatia, nhà sáng lập Bitcoin Layer và trợ giảng tài chính tại đại học South California cho biết.
Trong khi đó, khoản chênh lệch 1,2 tỷ USD trong bảng kế toán thực tế là các tài sản thế chấp bị bán tháo. “Họ có thể đã làm mất tiền gửi khách hàng khi đồng UST mất giá”.
Vinh Ngô (Theo CNBC)