Chỉ cần có hộ chiếu và 36USD tiền vé phà, khách du lịch đã có thể đi từ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ tới hòn đảo Lesbos của Hy Lạp. Hành trình này kéo dài khoảng 45 phút.

TIN BÀI KHÁC:

Tuy nhiên, kênh CNN cho biết, số tiền trung bình mà những người Syria phải bỏ ra để trả cho những kẻ đưa người đi tị nạn là 1.350 USD và phải là tiền mặt.

{keywords}
Những người tị nạn sung sướng khi tới được Hy Lạp. (Ảnh: The Sun)

Joseph, người chạy từ Syria tới Thổ Nhĩ Kỳ cùng với 9 thành viên trong gia đình cách đây chưa đầy hai tuần, cho biết anh đã được tống lên một chiếc xuồng dài 7m cùng với 61 người khác.

Joseph không dám tiết lộ đầy đủ danh tính, vì sợ những người thân vẫn đang ở Syria sẽ bị trả thù. Anh cùng gia đình vượt biển Aegean đêm 9/9. Họ đã phải chi trả tổng cộng 14.600USD cho hành trình đầy nguy hiểm này.

"Cái giá rất đắt đỏ, nhưng tinh thần còn quý hơn", anh giải thích.

Cuộc nội chiến Syria không ảnh hưởng trực tiếp tới thị trấn Tartus, nơi Joseph đang làm công việc kế toán. Nhưng anh nói rằng, hiểm họa luôn rình rập cuộc sống của họ. "Nếu không phải một tháng, thì cũng có thể ba hoặc sáu tháng nữa, cuộc chiến sẽ lan tới đây", anh nói.

Joseph và gia đình đang trú tại một sân vận động ở Lesbos, nơi Chính phủ Hy Lạp đang phân loại những người tị nạn Syria, trước khi đưa họ tới thủ đô.

Những người tị nạn và di cư đã ở rải rác trên khắp hòn đảo này. Họ giặt quần áo trên bờ biển, cắm trại trong công viên. Khi màn đêm buông xuống, họ tới các quán bar và nhà hàng để thưởng thức rượu ouzo và món cá nướng của người Hy Lạp.  

"Họ rất thành thạo công nghệ, một điều hoàn toàn mới mẻ trong các cuộc di cư mà tôi từng chứng kiến", Alessandra Morelli, một quan chức của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, người từng có kinh nghiệm làm việc trong các cuộc khủng hoảng nhân đạo trước đó, nói.

"Khi họ tới, họ biết chính xác họ đang phải đi đâu, ai là người họ cần nói chuyện cùng. Họ biết phải mua gì", bà giải thích. "Facebook quả thực đã đóng một vai trò đáng kể".

{keywords}
Những người tị nạn mang theo lều trại để ngủ qua đêm khi ở Lesbos. (Ảnh: Getty)

Kenan al Beni, 19 tuổi, là một ví dụ điển hình về "những người tị nạn Facebook" tới từ Syria. Beni và 6 người bạn tới từ thành phố Suweida và tất cả đều đặt chân tới bờ biển Lesbos vào sáng sớm 10/9.

Khi thuyền của họ gặp vấn đề trên biển, Beni cho biết, anh và các bạn của mình đã gọi điện cho lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp. "Chúng tôi có tất cả các số điện thoại của họ. Chúng tôi cài GPS trên điện thoại. Chúng tôi gửi chúng bằng WhatsApp và họ đã tới cứu chúng tôi".

Rõ ràng Beni và các bạn đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho chuyến đi này. Nhiều người trong số họ thậm chí còn đeo túi chống thấm đựng giấy tờ tùy thân trên cổ.

Anh còn khoe một loạt địa chỉ trên Facebook, nơi những người Syria chia sẻ cho đồng hương của mình về hành trình vượt biển tới châu Âu.

Một trang Facebook bao gồm các bức ảnh về những loại lều dùng để cắm trại, cũng như cách tìm một khách sạn giá cả hợp lý ở Athens. "Mọi thứ chúng tôi cần đều được chia sẻ trên Facebook, Twitter, WhatsApp và Viber", Beni nói.

Chàng thanh niên này chia sẻ rằng, anh tìm cách tới Đức để tiếp tục học đại học, vì không thể tiếp tục chương trình giáo dục tại Syria. Anh trai anh hiện cũng đang ở đó và cũng vừa trải qua hành trình tương tự với sự giúp đỡ của những kẻ buôn lậu.

Liên Hợp Quốc ước tính mỗi ngày có khoảng 50 tàu tới Lesbos, chở theo từ 1.500-3.000 người di cư, chủ yếu là tới từ Syria. Họ đã biến hòn đảo này trở thành một cửa ngõ không chính thức để tới châu Âu đổi đời.

Sầm Hoa