Ngày nay, có thể nói công ty game Asiasoft là một gã khổng lồ thành công nhất của khu vực Đông Nam Á, họ đã có hàng trăm trò chơi online với hơn 120 triệu người dùng. Thương hiệu của họ gắn liền với các trò chơi tên tuổi như Audition, MappleStory rất thành công tại Singapore và Malaysia, Ragnarok Online tại Thái Lan... Hầu hết lĩnh vực mà họ nhắm tới đều là game PC, còn game mobile tuy không được đầu tư mạnh mẽ song nhà phát hành vẫn hiểu được giá trị của nó trong tương lai là không hề nhỏ.

"Chúng tôi chỉ cố gắng để kiếm sống thôi!".

Pramoth Sudjitporn.

Đó là câu trả lời của Pramoth Sudjitporn, CEO và cũng là phó chủ tịch của Asiasoft khi được hỏi nguyên nhân nào khiến ông cùng hai người đồng sáng lập là Sherman Tan và Lertchai Kanpai  chú ý đến việc kinh doanh trò chơi điện tử. Trở lại những năm 1998 ngay sau cuộc khủng hoảng kinh tế 1997 xảy ra, hai người họ không kiếm nổi một công việc tử tế để bám trụ xã hội. Các công ty liên tục cắt giảm biên chế và sa thải nhân viên, một số thậm chí còn không được trả lương. Tuy nhiên, khi đó bộ ba sáng lập này đã có một quyết định liều lĩnh khi thành lập một công ty phân phối được gọi là BM Media, với vốn từ chính tiền túi của mình. Công ty này tập trung vào việc phân phối các đồ chơi có tính giáo dục cao cho thị trường bởi tiềm năng của nó khi đó rất lớn.

Tuy nhiên, năm 1998 cũng là một năm mà tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan tại khu vực vùng biển Đông Nam Á và BM Media cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Không ai muốn phải đi đối phó với những rắc rối nảy sinh chỉ vì tệ nạn chung của xã hội này cả, song Sudjitporn đã cùng hai người đồng sáng lập đã quyết định nắm lấy cơ hội đó và họ chuyển sang kinh doanh trò chơi điện tử.

Khi mới bắt đầu, họ nhận ra rằng mức giá trò chơi tại Mỹ hay thị trường lân cận như Singapore đều có sự chênh lệch đối với quê nhà Thái Lan của mình, do vậy giải pháp đầu tiên của họ là tìm cách hạ giá thành sản phẩm xuống mức rẻ hơn bằng cách nội địa hóa trò chơi. Có rất nhiều nhà sản xuất ở đây cũng thực hiện tương tự, đây được coi là biện pháp an toàn nhất để các trò chơi của họ không bị rò rỉ ra ngoài. Bằng cách hạ giá thành và tăng số lượng sản phẩm, BM Media bước đầu đã gặt hái được những thành công nhất định.

MappleStory.

Sudjitporn nói rằng sau những bước khởi đầu đó, họ nhận ra rằng "công nghệ đã thay đổi""sẽ còn thú vị hơn nữa nếu như được chơi game online, một sân chơi khổng lồ với nhiều thành phần khác nhau. Sự giao tiếp sẽ đa dạng hơn, cộng đồng đông đảo hơn..."

Sự thay đổi về mặt công nghệ đã đẩy tiền thân của Asiasoft vào cơn bão game online trong năm 2001. Game online không những cho thấy được tiềm năng vô hạn của nó với các doanh nghiệp mà nó còn bài trừ được nạn ăn cắp bản quyền, sao chép lậu bởi các server đều được chạy trên máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ chơi game. Bên cạnh đó, các nhà doanh nghiệp hoàn toàn có thể mở rộng quy mô của trò chơi một cách dễ dàng trong tương lai.

"Khi bạn nhìn vào các dịch vụ trực tuyến và kinh doanh Internet, nó không có giới hạn nào cả, không có lãnh thổ, không có vị trí địa lý", Sudjitporn giải thích. Ông và hai người đồng sáng lập đều tin tưởng rằng thị trường game PC Đông Nam Á rất sớm thôi sẽ tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ, sự thật ngày nay đã chứng minh được cách nhìn của họ khi đó là hoàn toàn sáng suốt.

Mặt khác, Sudjitporn cũng là một doanh nhân khá am hiểu về thị trường, ông nhận thấy việc tập trung hoàn toàn vào game F2P là quá hạn hẹp, do vậy công ty đã ngồi vào bàn đàm phán với Blizzard Entertainment để đấu thầu quyền phân phối World of Warcraft trong khu vực của mình. Việc tiếp cận với Blizzard lúc đó khá dễ dàng bởi khi đó nó nằm dưới quyền điều hành của Davidson & Associates, một công ty từng là đại thụ trong lĩnh vực đồ chơi giáo dục và là khách hàng quen thuộc của BM Media.

Sau khi đàm phán thành công, Asiasoft cũng đã sẵn sàng để mở rộng quy mô công ty ra khỏi nội địa Thái Lan, Sudjitporn cho hay lúc đó ông cảm thấy khá tự tin.

"Việc kinh doanh ở khu vực nào cũng đều giống nhau cả, chúng tôi tin rằng mình có thể áp dụng kinh nghiệm sẵn có ở Thái Lan đối với các nước khác".

Năm 2004, Asiasoft đã mở rộng ở Singapore. Asiasoft Online Ptd Ltd khởi đầu cơ nghiệp với 20 đến 30 nhân viên, con số này nhanh chóng tăng lên 100, 200 cuối cùng là 300. Cho đến hôm nay, Asiasoft đã có tổng cộng 6 chi nhánh với gần 1.000 nhân viên, con số này đã giảm xuống một chút bởi trong năm nay đã có khá nhiều nhân viên bị sa thải.

Tuy nhiên, để có được thành quả như ngày hôm nay họ đã phải chiến đấu với rất nhiều khó khăn, thử thách. Trong đó việc xây dựng cơ sở hạ tầng mạng và vi phạm bản quyền là hai vấn đều họ đã đấu tranh từ thuở mới tạo dựng thương hiệu. Quay lại khi công ty đầu tiên của họ được thành lập, Singapore là nước duy nhất ở Đông Nam Á có mạng lưới băng thông rộng và nhanh. Ở Thái Lan, các tiệm Net đều bị giới hạn với 56kbps rùa bò, khi đó cơ sở hạ tầng mạng là điều gì đó nằm ngoài tầm với của Asiasoft. Do kết nối bị hạn chế, game thủ cũng ít khi để tâm đến game online. Họ thường lựa chọn các game sử dụng mạng LAN như Counter-StrikeStarcraft..., hơn nữa các chủ quán Net cũng không mất quá nhiều chi phí để thiết kế mạng LAN.

Do đó, Asiasoft đã quyết định sẽ cải thiện băng thông mạng bằng động thái liên kết với các nhà cung cấp dịch vụ internet, và rồi dịch vụ ADSL ra đời.Việc này cũng tiêu tốn một lượng vốn khổng lồ của công ty, đổi lại, Asiasoft đã đạt được những giá trị không thể đo đếm được. Trong năm 2008, Asiasoft đã trở thành một thương hiệu khá nổi tiếng và lợi nhuận năm đó của họ là 30 triệu USD. Điều đó cho phép họ tạo ra nhiều thứ sử dụng thương hiệu Asiasoft mà mình đang sở hữu, bao gồm @cash, @cafe, @service và @key. Những dịch vụ này (ngoại trừ @cash) chỉ xuất hiện ở những quốc gia có nhu cầu.

Cùng năm đó, Asiasoft mua lại tập đoàn Level Up, một nhà phát hành có trụ sở đặt tại Philippines. Theo như báo cáo, Level Up được sử dụng để hỗ trợ cho Asiasoft trong những dịch vụ game chuyên nghiệp

Tương lai của game online

Về vấn đề này, Sudjitporn cho rằng: “Game online sẽ thay đổi về thể loại, sở thích người chơi. Với Game mobile, đó là sẽ thay đổi về công nghệ”. Những đối thủ mới sở hữu công cụ và cả một hệ sinh thái như Google (với Google play) và Apple (với Itune) sẽ là những cái tên đáng chú ý.

"Nếu như có một trò chơi như Hearthstone xuất hiện hồi đó thì chỉ có Blizzard và chúng tôi, bây giờ thì “người thứ ba” đã xuất hiện, đó là Apple và Google”.

Nếu xét trên cấp độ khu vực, Asiasoft hầu như không có đối thủ, các công ty muốn cạnh tranh với họ hầu hết đều là các công ty địa phương. "Một số công ty như Cubinet Cubizone đều rất cố gắng, nhưng điều đó quả là khó khăn đối với họ". Sudjitporn cũng đề cập đến Garena như là đối thủ lớn nhất nhưng ông cũng không có quá nhiều lo lắng về việc này.

"Ở Thái Lan, các công ty đều phát triển rất nhanh. Một số mạnh về game MMO, một số thì game FPS, một số thì game casual. Việc cạnh tranh ở đây cũng căng thẳng hơn so với ở Singapore. Chúng tôi xuất phát từ game MMO và muốn mở rộng hơn với các thể loại game khác, đó là cách chúng tôi duy trì lợi thế cạnh tranh của mình".

Sudjiporn nói thêm rằng trước đây không có nhiều người chịu nắm lấy cơ hội ở thời điểm đầu, còn bây giờ nếu ai đang có dự định bắt đầu thì hoặc là người đó rất táo bạo, hoặc là anh ta có rất nhiều tiền.

Asiasoft vẫn không ngừng vươn lên

Sudjitporn nói rằng điều Asiasoft có thể làm bây giờ là cố gắng và hiểu được tại sao họ lại mắc phải những sai lầm trong quá khứ, đồng thời đánh giá lại những mặt thực sự tốt của mỗi thiết bị mà mình sẽ công bố. Bên cạnh đó, sự đổi mới cũng khá quan trọng. Ông ví sự tồn tại của Asiasoft giống như một ca sĩ. Ca sĩ càng lớn tuổi thì tỷ lệ thành công càng thấp bởi họ liên tục cho ra mắt các album, tương tự như các trò chơi: một nhà phát hành vốn đã thành công từ trò chơi đầu tiên sẽ phải tiếp tục tìm kiếm thứ mới mẻ, vấn đề sẽ phát sinh khi mà nó lặp đi lặp lại một ý tưởng trong thị trường ngày càng phát triển như thế này.

Game PC online vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu của Asiasoft, ông cũng nhấn mạnh rằng game mobile là một lĩnh vực không thể bỏ lỡ, còn console thì lại quá cứng nhắc. Hiện tại, Asiasoft có 5 đến 7 game mobile trong danh sách phát triển, và mỗi quốc gia sẽ được giới thiệu một sản phẩm khác nhau.

"Điện thoại di động tăng trưởng rất nhanh trong những năm gần đây, tuy nhiên vòng đời của nó cũng khá là ngắn", Sudjitporn nói.

Ông nhấn mạnh thêm rằng Asiasoft vẫn luôn tìm kiếm những điều mới mẻ bên cạnh game PC và game mobile:

"Bất cứ thứ gì có thể trở thành sản phẩm hay dịch vụ, Asiasoft sẽ tìm kiếm nó. Khi bạn nói về thế giới Internet, nó rộng lớn hơn rất nhiều so với thế giới game, nó có thể là bất cứ điều gì".

T.B