Xã Vĩnh An nằm cách trung tâm huyện Tây Sơn khoảng 15km. Đây là xã đặc biệt khó khăn duy nhất của huyện Tây Sơn có hơn 90% dân số là đồng bào Bana, đời sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp.
Thời gian đầu khi bước vào xây dựng nông thôn mới, xã Vĩnh An gặp rất nhiều khó khăn vì chỉ mới đạt 7/19 tiêu chí về nông thôn mới theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020. Và đến cuối năm 2022, Vĩnh An mới đạt 15/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí cũ và đạt 9/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí mới.
Tuy nhiên, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của huyện Sơn Tây, cùng với sự nỗ lực không ngừng, đoàn kết quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, xã Vĩnh An đã phấn đấu vươn lên, hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới theo đúng kế hoạch đề ra.
Ông Huỳnh Thanh Sơn, Bí thư Đảng uỷ xã Vĩnh An, cho biết, để đạt được kết quả như ngày hôm nay, ngoài sự nỗ lực rất lớn của địa phương phải kể đến sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn từ tỉnh, huyện và các cấp, các ngành; đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của Huyện ủy cũng như sự phối hợp, hỗ trợ của MTTQ huyện Tây Sơn trong quá trình triển khai thực hiện.
Tháng 3/2021, huyện Tây Sơn ra quyết định thành lập tổ công tác liên ngành hỗ trợ xã Vĩnh An xây dựng nông thôn mới. Tổ công tác có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch cụ thể để hỗ trợ, hướng dẫn xã thực hiện đạt các tiêu chí xã nông thôn mới; đồng thời theo dõi tiến độ thực hiện của xã, báo cáo kết quả và đề xuất UBND huyện chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai xây dựng.
Bên cạnh sự chỉ đạo sâu sát của huyện, theo ông Sơn, thời gian qua, xã đã huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí. Trong đó, tiêu chí về thu nhập của người dân được xã quan tâm triển khai mạnh, từng bước giảm nghèo.
Theo đó, xã đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, từ đó xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập.
Đến nay, cùng với các Chương trình MTQG, trong đó có chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp diện mạo của xã có nhiều khởi sắc. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng đảm bảo phục vụ đời sống dân sinh và phát triển kinh tế, nhiều công trình giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, trường học, chợ, các thiết chế văn hóa thôn, làng… được đầu tư xây dựng đã tạo điều kiện thuận lợi để thay đổi phương thức làm ăn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Những năm qua, Vĩnh An cũng đã có nhiều nỗ lực để bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống địa phương. Từ năm 2015, xã đã thành lập đội cồng chiêng múa xoang tại làng Kon Giọt 1 với 30 thành viên. Từ khi có đội cồng chiêng múa xoang này thì hoạt động văn hoá văn nghệ được làng duy trì và tổ chức thường xuyên, người dân trong làng tích cực tham gia các hoạt động, đặc biệt là thực hiện các nghi lễ truyền thống của người Ba na trong làng. Năm 2024, làng Kon Giọt 1 có 100% hộ gia đình đã đăng ký xây dựng gia đình văn hóa. Bên cạnh đó, phong trào khuyến học, khuyến tài luôn được chú trọng. Hiện làng có 100% trẻ đúng độ tuổi đều được đến trường học tập, trong năm 2024 không có học sinh bỏ học giữa chừng.
Theo báo cáo kết quả thực hiện nông thôn mới của xã Vĩnh An, hiện nay, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Một trong những kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh An là nhận thức của nhân dân đã từng bước được nâng lên, nhiều hộ gia đình tự nguyện đóng góp tiền của, ngày công lao động, hiến đất để xây dựng các công trình trên địa bàn các làng.
Xã đã huy động các nguồn vốn được hơn 41 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông nông thôn, thủy lợi, công trình phúc lợi xã hội…, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Vĩnh An gần 48 triệu đồng; tỷ lệ nghèo đa chiều của xã giảm xuống còn 4,73%. Trên địa bàn xã có công trình cấp nước tập trung là Nhà máy cấp nước Bình Tường - Vĩnh An do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Định là đơn vị quản lý. Nhờ vậy đến nay, toàn xã có 100% số hộ gia đình được sử dụng nước sạch. Xã cũng đã tổ chức thu gom rác thải chôn lấp đúng nơi quy định, góp phần bảo vệ tốt môi trường nông thôn miền núi.
Đầu năm 2024, Vĩnh An là xã đặc biệt khó khăn thuộc diện khu vực III đầu tiên của tỉnh Bình Định được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là động lực để xã tiếp tục nỗ lực giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí trong thời gian tới.