Quá dễ dàng để quy kết, trách móc, lên án những hành động gần đây của Hào Anh song có lẽ sẽ nhân văn hơn, có ích hơn nếu ta cùng thử lí giải điều gì đã thay đổi cậu nhanh đến thế và cần phải làm gì để kéo cậu trở lại, trước khi trượt dài hơn?

Mới đây, dư luận lại được một phen rúng động bởi cái tên Hào Anh. Lần đầu tiên là khi cậu 14 tuổi, nạn nhân của một vụ bạo hành gây công phẫn cao độ từ cộng đồng.

Nhờ sự tố giác của người dân và can thiệp của chính quyền, cậu được giải thoát khỏi địa ngục trần gian, nhận được sự thương cảm từ nhiều tấm lòng, sự ủng hộ vật chất khá lớn từ các nhà hảo tâm. 4 năm sau, khi đã đủ tuổi vị thành niên, chàng thanh niên Hào Anh lại gây rúng động dư luận một lần nữa.

Chỉ khác và thật đáng tiếc rằng, lần này cậu lại là thủ phạm của một dạng "bạo hành" khi lớn tiếng đuổi cha mẹ mình ra khỏi ngôi nhà được xây bởi tiền ủng hộ từ bao nhà hảo tâm cả nước.

Không phải đợi đến khi sự việc này xuất hiện trên báo chí, đâu đó đã nói về lối sống có vấn đề của chàng thanh niên này sau sự kiện Đầm Dơi, sau khi cậu nhận được ngót 1 tỷ tiền ủng hộ. Đó là việc đổi 4 xe máy, thay hàng chục điện thoại di động trong 1 năm, chơi điện tử thâu đêm suốt sáng, cư xử không đúng mực với người xung quanh...

{keywords}
Hào Anh (trái) cùng bạn gái tên H. cùng ‘cô bạn mai mối’ trong một bữa ăn uống

Sa ngã nhân cách hay khoảng trống giáo dục?

Nhìn lại những diễn biến tâm lí của Hào Anh 4 năm qua, tôi tự hỏi điều gì đã khiến một cậu bé từng có sức "chịu đòn" dai dẳng, cam chịu sống trong cảnh "nô lệ", tắm trong roi vọt, ngập ngụa trong công việc nặng nề suốt một thời gian dài như Hào Anh lại nhanh chóng trở thành một kẻ ngang tàng, nóng nảy, bất cần và bất hiếu đến thế?

Quá dễ dàng để quy kết, trách móc, lên án những hành động gần đây của Hào Anh song có lẽ sẽ nhân văn hơn, có ích hơn nếu ta cùng thử lí giải điều gì đã thay đổi cậu nhanh đến thế và cần phải làm gì để kéo cậu trở lại, trước khi trượt dài hơn?

14 tuổi, Hào Anh vẫn là một cậu bé, chưa thể nói là nhận thức về cuộc sống, các giá trị cốt lõi đã đủ đầy. Nghịch cảnh cuộc đời đã đẩy cậu thành nạn nhân của một vụ bạo hành và đáng tiếc thay nó lại mở ra một bi kịch ảnh hưởng lâu dài đến cậu.

Tôi cứ đồ rằng với nhận thức còn non nớt của mình, Hào Anh ít nhiều thầm trách ai đó nữa chứ không chỉ vợ chồng ông bà chủ. Tôi cũng tin có lẽ cậu cho rằng cuộc sống đã nợ cậu một điều gì đó lớn lao, rằng cậu đã chịu đựng đủ, đã mất mát nhiều, rằng cậu xứng đáng được hưởng thụ, được ăn chơi theo cách mà cậu muốn. Những vết thương da thịt có thể lành theo thời gian nhưng chấn động tâm lí có lẽ vẫn còn bám riết trong suốt cả cuộc đời, chừng nào chưa có các liệu pháp tâm lí , giáo dục nhân cách cần thiêt.

Điều tôi thấy đáng tiếc là sau khi được giải thoát khỏi những trận đòn liên miên, trường học đã không đủ sức giữ chân cậu. Cuộc sống khốn khó của mẹ đẻ và cha nuôi có lẽ cũng khiến họ không có nhiều thời gian cho con mình. Và như thế, cậu trở lại cuộc sống mưu sinh khi vết thương da đã lành mà nỗi đau trong tâm hồn chưa được chữa trị.

Tôi ao ước giá như cậu được giúp nhận thức rõ ràng rằng ông chủ đầm tôm tàn ác kia chỉ là những cá biệt mà cuộc đời run rủi khiến cậu gặp phải khi còn quá trẻ. Tôi ao ước giá như cậu được dạy nhiều hơn cách thứ tha thay vì cứ gậm nhấm thù hận, được dạy nhiều hơn về cách tri ân với bao tấm lòng đã đồng cảm, ủng hộ cậu.Tôi cứ tự hỏi không biết cậu có nhận được sự giáo dục, tư vấn về cách xử dụng những đồng tiền hảo tâm kia một cách sao cho xứng đáng nhất không?

Tôi cũng đồ rằng có thể những người thân của cậu tự đáy lòng mình cũng cảm thấy có lỗi khi vì cơm áo đời thường mà không thể ở bên, vô tình khiến cậu trở thành nạn nhân của những trò nhục hình mang dáng dấp thời trung cổ. Có lẽ vì thế mà họ muốn dành cho cậu nhiều tự do hơn, chiều chuộng cậu hơn và coi đó như một sự bù đắp cho bao trận đòn, bao giọt lệ và máu đã chảy trên mảnh đất mặn mòi ấy.

Phải chăng đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc Hào Anh trở nên bất cần, ích kỉ khi cậu tự cho mình cái quyền được làm bất cứ điều gì mình thích? Giá mà người thân của cậu hiểu rằng chiều chuộng hay buông thả không phải bao giờ cũng là cách giáo dục tốt, nhất là với một con người đã từng trải qua nhiều chấn động về cả thể xác và tinh thần.

Hãy giang tay thêm

Chà đạp, lên án hay kết tội Hào Anh lúc này quá dễ nhưng tôi hoài nghi điều đó sẽ giúp thức tỉnh phần người trong cậu. Một hình thức răn đe nào đó là cần thiết nhưng có thể sẽ là một bi kịch nếu người ta không rộng lượng mở lòng, cho cậu một cơ hội mới.

Cơ hội đó có lẽ cần đi liền với sự giáo dục toàn diện từ nhiều phía, giúp thay đổi nhận thức. Cậu đã có một mái nhà nhưng đó chỉ là nơi che cho cậu nắng gió của trời. Còn sóng gió của đời thì mái nhà nào che nổi?

Nguyễn Công Thảo

Xem bài cùng tác giả

Khoa học nước nhà đã đạt 'cảnh giới' siêu thực?

Một nhà khoa học nói rằng khi xem bài chép trên lớp của người con vốn theo học cùng ngành ở đại học, cùng thầy dạy, anh giật mình khi nhận ra chẳng có gì khác biệt so với những gì anh được học gần 40 năm về trước!

Triết lý Mỹ: Cứ làm mới biết được hay không

Ở Mỹ, mục đích tối quan trọng của giáo dục trước tiên là học để biết mình có thể làm gì, nên làm gì.

Khéo sếp tập đoàn quốc tế cũng xin làm... công chức

Cứ đà này, biết đâu một ngày gần đây, lãnh đạo các tập đoàn quốc tế, các doanh nghiệp tư nhân chả lại rẽ ngang, nộp đơn xin làm việc tại các cơ quan nhà nước.

Đừng dại nghi ngờ nhà khoa học xứ ta

Đừng bao giờ dại dột nghi ngờ thành quả lao động của các nhà khoa học ở ta hiện nay, bởi bạn sẽ phải im lặng trước hàng chồng bằng khen lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, sáng tạo khoa học...