Một dòng vốn lớn từ các quốc gia Trung Đông, trong đó có Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất sắp vào Việt Nam. Đây cũng có thể là nguồn vốn đáng kể sau làn sóng đầu tư khủng từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore trong nhiều năm qua.
Khơi dòng vốn FDI vào Việt Nam
Cơ quan Phát triển Đầu tư Dubai thuộc chính phủ Dubai (Dubai FDI) cùng Tập đoàn Beaufort Global, Tập đoàn Milcon Gulf và Tập đoàn Sapa Thale vừa ký kết: “Chương trình Hợp tác đầu tư song phương”.
Đây là sự kiện khá đặc biệt, đánh dấu một bước đi thực tế đầu tiên của Dubai nói riêng và các nước Trung Đông, những nước có nguồn vốn và thị trường rộng lớn, nói chung trong việc tìm hiểu cơ hội đầu tư cũng như giao thương đối với Việt Nam.
Đại diện các tập đoàn lớn của Dubai, trong đó có ông Fahad Al Gergawi - Phó chủ tịch Hiệp hội Đầu tư Thế giới (WAIPA) đồng thời là CEO của Dubai FDI, ông Rene Bernad Beil (CEO Beaufort Global) và ông Giang Lý Liên Khang, đại diện tập đoàn Milcon Gulf bảy tỏ sự quan tâm và tập trung tìm cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực: Tài chính - ngân hàng, phát triển công nghệ cao, phát triển cơ sở hạ tầng, môi trường - năng lượng, giao thông vận tải và bất động sản - khách sạn và du lịch.
Hứa hẹn dòng vốn từ Dubai. |
Tỷ phú gốc Việt - Mai Vũ Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sapa Thale, cho hay, chương trình “Hợp tác đầu tư song phương” là tiền đề cho các doanh nghiệp Việt đẩy mạnh thu hút đầu tư từ Dubai cũng như khu vực Trung Đông, đồng thời liên doanh phát triển kinh tế giữa Dubai và Việt Nam nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng. Các doanh nghiệp Dubai đã tìm thấy tiềm năng đầu tư vào Việt nam
Ngày 13/12, tại Hà Nội, Đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư sẽ tiếp đoàn doanh nhân đến từ Dubai. Theo đánh giá, Trung Đông và Việt Nam được đánh có nhiều tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư. Trung Đông bao gồm nhiều nước có ngành công nghiệp dầu khí và du lịch phát triển. Sau nhiều thập kỷ phát triển và có tích lũy lớn, các nước khu vực này đang đẩy mạnh đầu tư vào du lịch cũng như tìm kiến cơ hội đầu tư vào các nước khác trên thế giới.
Gần đây, dòng vốn từ Dubai - Trung Đông đang hướng đến Việt Nam. Trước đây, Tập đoàn Đầu tư Dubai ICD với khối tài sản quản lý lên tới 120 tỷ USD đang chuẩn bị kế hoạch sang Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án bất động sản mà tập trung ở Quảng Ninh.
Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Nam - Oman (VOI) do Quỹ dự trữ quốc gia Quốc vương Oman (SGRF) góp cũng đã từng có đề xuất trở thành đối tác chiến lược của Cảng Hải Phòng khi xin mua lại gần 30% cổ phần Nhà nước tại đơn vị này.
Không chỉ có dòng vốn lớn, Trung Đông là khu vực thị trường lớn, sức mua lớn, khả năng chi trả cao trong khi các yêu cầu về mặt kỹ thuật không quá khắt khe và là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho Việt Nam.
Kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Đông đạt 12 tỷ USD trong năm 2017, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Trung Đông đạt 9 tỷ USD với các mặt hàng lớn như điện thoại di động, thiết bị điện tử, về hàng tiêu dùng, da giày…
H.Tú
Tình hình xấu đi, Trung Quốc gặp khó: Việt Nam vượt lên, top đầu thế giới
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững chắc và có xu hướng tốt lên trong ngắn hạn, trong khi đó Trung Quốc và các nước trong khu vực có xu hướng tăng chậm lại. Tuy nhiên, về trung và dài hạn Việt Nam đối mặt với nguy cơ suy giảm.