Hầu đồng hay còn gọi là lên đồng là nghi lễ điển hình và đặc trưng nhất trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Trong diễn xướng hầu đồng tích hợp cùng lúc nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật, tâm linh: âm nhạc, hát chầu văn, nhảy múa, sắm vai… Đây là một di sản văn hóa quý giá được trao truyền từ quá khứ cần được tôn trọng, giữ gìn và phát huy trong đời sống đương đại. Nghi lễ hầu đồng có sức hấp dẫn đặc biệt đối với các tín đồ và cả những người xem thông thường, tạo nên những cảm xúc khó quên trong mỗi người khi đã một lần chứng kiến. Bởi sự gần gũi giữa người thực hành nghi lễ với người chứng kiến, giữa tín đồ với các vị Thánh, giúp họ thăng hoa, hợp nhất với thần linh.

Từ khi UNESCO ghi danh tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, bên cạnh mặt tích cực cũng có nhiều hiện tượng tiêu cực, thương mại hoá, lợi dụng ăn theo, làm mất đi bản sắc tốt đẹp vốn có của di sản.

Nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Anh.

Nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Anh – người dành 40 năm để gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa tín ngưỡng thờ Tam phủ của người Việt chia sẻ với VietNamNet, mấy ngày nay ông rất bức xúc khi liên tục trên mạng xã hội xuất hiện những clip quay các giá đồng mà không biết họ đang bắc ghế hầu ai. Một số thanh đồng mặc trang phục hở hang và múa theo những điệu nhạc rock, rap... rất phản cảm.

“Mở trang cá nhân, đập vào mắt là một video quay cảnh hầu đồng với hình ảnh thanh đồng mặc quần áo kiểu như đóng khố, trông rất phản cảm nhưng vẫn bắc ghế hầu Thánh. Nhà tôi bao đời gìn giữ và thực hành nghi lễ hầu đồng, bản thân tôi cũng có 40 bắc ghế hầu Thánh nhưng chưa từng thấy có giá nào ăn mặc như thế này để hầu cả. Vài ngày sau tôi lại xem được một clip, một thanh đồng đang hầu thì ở dưới xảy ra cãi nhau, người gây rối còn nhảy cả lên sập để phá. Thật sự rất phản cảm và ảnh hưởng tới hình ảnh văn hoá đã được UNESCO vinh danh”, nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Anh chia sẻ.

Hình ảnh được cắt từ clip 

Không chỉ có hầu sai, nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Anh còn cho biết, có những “ông đồng bói, bà đồng bói” còn ngang nhiên phán bừa. “Nói thật, nhiều đứa trẻ ăn cơm vẫn còn rơi mà đi xem bói các ông bà đồng cũng phán là cháu nó bị bắt đồng. Đua nhau lập đền lập phủ, hầu không đúng, tín ngưỡng không đúng, lễ nghi không đúng. Các thầy cho đệ tử ra hầu đồng không giáo dục. Cổ truyền của các cụ tổ tiên tôi từ xưa để lại: Nếu có căn số phải ra hầu đồng thì ít nhất phải từ 1-2 tháng, thậm chí 3 tháng mới được ra trình đồng. Phải có tiền trăm dầu trình, tôn nhang, cúng Tam phủ để xin khất đồng. Khất đồng rồi mà 3 tháng hoặc một năm sau vẫn thấy khó chịu trong người thì lúc đó mới xin thầy mở phủ, thầy lúc đó mới làm cho. Bây giờ các cháu mới, vừa xem chiều nay sáng mai đã ra mở phủ bởi được phán là “ăn” lộc cô Bơ, cậu Bé,…Tôi xin nói là chẳng có cô, cậu nào cả”, nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Anh bức xúc.  

Nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Anh cho biết, mỗi giá đồng là một câu chuyện về một vị anh hùng, lúc sinh thời là người có đức độ, tài giỏi, có công với dân với nước, do đó được hầu cái bóng của các vị là niềm vinh dự, tự hào. Chính vì thế, ông luôn giữ gìn nét đẹp và chuẩn mực trong mỗi giá hầu đồng, phép tắc lễ nghi, an ninh trật tự khi người dân tham dự…Thông qua việc hầu Thánh còn truyền bá cho người dân biết về lịch sử, gốc tích của các vị Thánh để hiểu sâu sắc về ý nghĩa của từng giá đồng. Từ đó truyền cho thế hệ trẻ nhớ về cội nguồn và công lao của cha ông và giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè thế giới. Vậy mà nhìn những hình ảnh trên mạng những ngày qua, nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Anh không khỏi xót xa.

Nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Anh trăn trở: “Bản thân tôi hiện có trên 5.000 con nhang, đệ tử. Nhưng rất ít khi tôi cho họ ra trình đồng, vì sợ người ta không theo được. Chỉ khi nào những ai bị người cơ đày mới cho ra hầu. Nhiều người hiện nay tín quá thành cuồng. Chúng ta phải nên nhớ rằng hầu đồng là diễn xướng, đóng vai diễn lại các tích của các vị Thánh để mong các ngài ban lộc ban tài. Bởi vậy, tôi mong rằng các thanh đồng hãy gìn giữ nét đẹp của hầu đồng, đừng chạy theo một cách cuồng tín mà làm mất đi nét đẹp của nghệ thuật này”.

Là người thực hành tín ngưỡng, hàng ngày nhìn thấy những cảnh “chướng tai gai mắt” biến tướng di sản của cha ông để lại, nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Anh tha thiết mong cơ quan chức năng làm chặt hơn nữa để giữ gìn di sản. “Nơi nào được hầu đồng, giá hầu như thế nào,…phải được báo cáo với chính quyền địa phương để cùng giám sát, nếu có những biến tướng lệch lạc, công tác hậu kiểm cũng dễ dàng hơn. Nghi thức lên đồng phải làm sao đúng với truyền thống, đúng với việc bảo tồn các giá hầu đồng; trang phục, âm nhạc như thế nào,... tất cả phải dựa vào cái chuẩn. Muốn có cái chuẩn thì phải có một hội chuẩn. Vì vậy cần thành lập hội dành cho những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu”, nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Anh đề xuất.

Thêm vào đó, nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Anh còn góp ý nên cẩn trọng trong việc trao danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân vì nếu thầy không chuẩn thì cả thế hệ sau sẽ thực hành tín ngưỡng không chuẩn.

Theo GS.TS Từ Thị Loan – Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, để góp phần định hướng bảo tồn và gìn giữ giá trị của hầu đồng, trước hết từ phía các cơ quan quản lý nhà nước phải có tiếng nói khi có những biểu hiện sai lệch trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung và nghi lễ hầu đồng nói riêng. Bên cạnh đó, các nhà báo và cơ quan truyền thông phải tích cực tham gia tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Đặc biệt các nhà nghiên cứu có uy tín cần cung cấp, phổ biến các kiến thức liên quan để người dân hiểu biết đầy đủ hơn về di sản. Cùng với đó, về phía bản thân cộng đồng những người thực hành tín ngưỡng cũng cần có ý kiến để kịp thời chấn chỉnh.

PGS-TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, từng chia sẻ, đổi mới và cải tiến là phải lấy chất lượng làm chính chứ không phải lấy độ hoành tráng. Trước đây, có thời gian hầu đồng bị cấm kỵ nhưng mấy năm gần đây được coi là phù hợp với tình hình đổi mới của đất nước, xã hội, nhà nước nhìn nhận hầu đồng, tín ngưỡng thờ Mẫu ngày càng tốt và chưa bao giờ nghi thức hầu đồng, đạo Mẫu lại được xã hội tin tưởng đón nhận và phát triển mạnh như bây giờ. Tuy vậy, muốn để xã hội tôn trọng nghi thức và tín ngưỡng này hơn nữa, thì bản thân mỗi thanh đồng (người đứng giá hầu đồng) phải ngăn chặn những hiện tượng lợi dụng, thương mại hóa… với nghi thức này.

Tình Lê