Trong thời gian qua, Luật Đất đai 2013 và các quy định pháp luật liên quan được tỉnh Hậu Giang quan tâm, chỉ đạo thực hiện, nhất là công tác lập, thẩm định, trình phê duyệt, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh và cấp huyện được thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định.

Theo đó, việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang mục đích khác được thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, quyền lợi của Nhà nước và của nhà đầu tư, không để xảy ra khiếu kiện, đồng thời thúc đẩy phát triển các khu, cụm công nghiệp, các ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn.

Kết quả, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 713,98 ha/3.472,16 ha được phê duyệt trong Kế hoạch sử dụng đất (đất trồng lúa) hàng năm.

ảnh tin 6.jpg
Hậu Giang chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 4 lần so với trồng lúa. Ảnh: Ái Phương

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ năm 2021 - 2023, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa ở Hậu Giang là 14.980 ha. Trong đó, diện tích chuyển đổi sang trồng cây hàng năm là 973 ha; diện tích chuyển đổi sang trồng cây lâu năm là 2.197 ha; diện tích trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản là 11.810 ha.

Theo đó, vùng  nuôi thủy sản tập trung: cá tra ở huyện Châu Thành, Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy; cá thát lát ở huyện Phụng Hiệp; nuôi lươn ở huyện Long Mỹ, Vị Thủy; cá đồng ở huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy và Long Mỹ. Vùng chuyên canh lúa chất lượng cao ở các huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy, Châu Thành A, Long Mỹ,... 

Vùng chuyên canh cây ăn trái: bưởi da xanh, chanh không hạt, mít, xoài, sầu riêng, mãng cầu xiêm, khóm,... ở các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Long Mỹ,... Hiện nay, toàn tỉnh có 132 mã số vùng trồng được chứng nhận (diện tích 2.365 ha và khoảng 44.399 tấn sản phẩm) và 9 mã số đóng gói. 

Hàng năm, trên địa bàn tỉnh có trên 60 doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết bao tiêu sản phẩm lúa và một số loại cây ăn trái (bưởi, chanh không hạt, mít, khóm) cho gần 40.000 lượt hộ sản xuất với khoảng 39.000 ha, sản lượng khoảng trên 300.000 tấn. 

Theo đánh giá của tỉnh ủy Hậu Giang, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 4 lần so với trồng lúa.

Đình Sơn