Triển khai Đề án từ ngày 1/1/2021, Hậu Giang đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường, đến nay đã đạt nhiều kết quả tích cực. 

Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân ở mỗi xã, phường, thị trấn đến nay có khoảng 97,05% hộ dân được tiếp cận. Thành lập đi vào hoạt động 444 tổ gom rác, đạt 84,57% tổng số ấp, khu vực.

thu gom rac .jpg
Tỉnh Hậu Giang triển khai hiệu quả đề án “Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Ảnh: TH

Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt đạt 92,13%, trong đó ở đô thị là 93,60% và ở nông thôn là 91,53%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình được thu gom, xử lý tập trung hoặc tự xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường đạt 91,43%, trong đó ở đô thị 92,21% và ở nông thôn là 91,12%...

Việc quản lý chất thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng được các hộ chăn, nuôi trồng thủy sản áp dụng các biện pháp xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường: chăn nuôi gia súc gia cầm đạt 97,47%) nuôi trồng thuỷ sản đạt 96,44%.

Bên cạnh đó, tỉnh Hậu Giang cũng đã vận động hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản không phù hợp với quy hoạch thực hiện ngừng nuôi hoặc di dời đến nơi phù hợp quy hoạch. Tổng số có  3.107 hộ/3.926 hộ chăn nuôi gia súc; 474 hộ/732 hộ nuôi trồng thủy sản đã thực hiện di dời. 

Song song đó, việc thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng cũng được tỉnh Hậu Giang chú trọng. Theo đó, năm 2021, toàn tỉnh thu gom, chuyển giao xử lý khoảng 7,39%. Năm 2022 các địa phương tiếp tục thu gom, chuyển giao xử lý khoảng 12,02%. Đến năm 2023, con số thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tiếp tục được tăng lên với khoảng 18,73 %. 8 tháng đầu năm 2024, tỉnh thu gom, chuyển giao xử lý khoảng 11,09 %4.

Đình Sơn