Đây là kết quả vừa công bố ngày 24/6 tại Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2020) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020 (SIPAS 2020).
Cải cách thủ tục hành chính được xem là một trong những “chìa khóa” quan trọng giúp tỉnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang. Hiện toàn tỉnh đã thực hiện đạt 100% một cửa, một cửa liên thông. UBND tỉnh cũng phối hợp với Bưu điện Việt Nam chuyển giao việc tiếp nhận hồ sơ và trả giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức tại Bưu điện đối với 11/13 đơn vị.
Ấn tượng hơn cả, Hậu Giang còn là tỉnh đầu tiên đưa ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI vào Tổng đài giải đáp tự động dịch vụ công 1900 86 68 95. Với tổng đài hoạt động 24/24 giờ, đáp ứng đồng thời 6.000 cuộc gọi cùng một thời điểm, người dân hay DN đều có thể tham khảo các thông tin cần thiết trước khi thực hiện dịch vụ công, từ đó tiết kiệm thời gian cũng như chi phí đi lại. Đây không chỉ là bước đột phá trong cải cách hành chính của tỉnh mà còn tạo hướng mới cải thiện môi trường đầu tư, thu hút DN.
Cùng với đó, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hậu Giang cũng được khai trương, giải quyết thủ tục hành chính theo nguyên tắc “4 tại chỗ”: tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả; “5 tại chỗ”: tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả. Trung tâm còn được trang bị máy lấy số, máy tính, máy quét tài liệu cho người dân nộp trực tuyến, màn hình hiển thị tại các quầy… tra cứu TTHC, máy tính bảng đánh giá hài lòng tại các quầy và màn hình hiển thị kết quả đánh giá mức độ hài lòng.
Hiện Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hậu Giang có 26 thủ tục hành chính thực hiện theo nguyên tắc “4 tại chỗ” và 233 TTHC theo nguyên tắc “5 tại chỗ” với hơn 10.000 hồ sơ, đạt 97% trên tổng số hồ sơ của các TTHC đã đăng ký. Số dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4 được cung cấp tại Trung tâm là 436, đạt 34%. Số hồ sơ trực tuyến là 6.959, trung bình đạt 45%, riêng Sở Công thương có số hồ sơ trực tuyến nhiều nhất với hơn 4.100 hồ sơ.
Trước đó, tỉnh Hậu Giang đặc biệt chú trọng áp dụng công nghệ, phần mềm để hiện đại hóa hành chính công ở tỉnh như thiết lập tài khoản Zalo "Phản ánh về thủ tục hành chính Hậu Giang"; phần mềm Quản lý văn bản giúp các đơn vị tra cứu, khai thác văn bản; triển khai ứng dụng “Hậu Giang” hỗ trợ phản ánh hiện trường, đặt lịch khám bệnh, xem lịch làm việc...; Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh…
Tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ cải cách cơ bản thủ tục hành chính, nâng mức độ hài lòng của người dân và DN về thủ tục hành chính đạt mức trên 80%. Sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trên các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 80%; sự hài lòng của người dân và DN đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trong tỉnh đạt mức trên 80%. Tỉnh cũng đặt kế hoạch triển khai mô hình thí điểm chính quyền điện tử và đô thị thông minh tại TP. Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy.
D. An