- Thông tin được nêu ra trong báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về kết quả khảo sát một số nội dung trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành SGK giai đoạn 2012 – 2017.
Qua khảo sát của Ủy ban này cho thấy, việc xuất bản, in, phát hành sách VNEN và tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục (CNGD) còn nhiều bất cập.
Tuy là sách thí điểm, nhưng hằng năm sản lượng in, phát hành sách VNEN và sách Tiếng Việt lớp 1 CNGD tăng đột biến. Năm 2017 sản lượng in, phát hành tài liệu Tiếng Việt lớp 1 CNGD là 5.307.733 bản (khoảng 5% SGK GDPT 2000), tăng gần 13 lần so với năm 2012; sách VNEN là 10.793.844 bản (khoảng 10% SGK GDPT 2000), tăng gấp 5 lần so với năm 2014.
Giá bán một bộ sách VNEN cao gấp 4 lần giá một bộ SGK đại trà đối với sách lớp 3 và lớp 4; gấp 3 lần đối với các lớp 5,6 và 7. Do sách VNEN có kích thước lớn hơn, chất lượng giấy đẹp hơn SGK đại trà và in kèm bài tập.
Nếu tính tổng giá tiền bộ SGK đại trà có sách bài tập và sách bổ trợ kèm theo thì giá bộ sách VNEN gấp khoảng 1,6 lần. Ngoài ra, do sách VNEN còn thiếu một số môn nên học sinh học sách VNEN ngoài việc phải chi số tiền rất cao cho bộ sách hướng dẫn học, còn phải chi thêm tiền mua các môn còn thiếu của SGK đại trà, làm tăng gánh nặng chi phí của phụ huynh học sinh và giáo viên.
Lớp 4 VNEN còn thiếu 4 môn (Âm nhạc, Mĩ thuật, Đạo đức, Kĩ thuật); Lớp 5 VNEN còn thiếu 4 môn (Âm nhạc, Mĩ thuật, Đạo đức, Kĩ thuật); Lớp 6 VNEN thiếu 2 môn (Âm nhạc và Mỹ thuật, Tiếng Anh); Lớp 7 VNEN thiếu 2 môn (Âm nhạc và Mỹ thuật, Tiếng Anh).
Qua khảo sát cho thấy, báo cáo của hầu hết các tỉnh đều kiến nghị giảm giá bán sách VNEN.
Ảnh minh họa: Thanh Hùng |
Cùng do NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản, in và phát hành, tuy nhiên, khác với SGK đại trà, sách VNEN và tài liệu Tiếng Việt lớp 1 CNGD trong giai đoạn 2012-2017 không được bán trên thị trường. “Mà được phân phối độc quyền bởi các công ty con và công ty thành viên của NXB Giáo dục Việt Nam và thông qua Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố, Phòng GD-ĐT các quận/ huyện/ thị xã tới các trường tiểu học, THCS, trên cơ sở rà soát nhu cầu sử dụng các bộ sách này hằng năm.
"Sách VNEN và sách Tiếng Việt lớp 1 CNGD được NXB Giáo dục Việt Nam chỉnh sửa, thay hằng năm, không sử dụng lại, gây lãng phí. Việc tổ chức thí điểm/ thực nghiệm bộ sách VNEN và sách Tiếng Việt lớp 1 GDCN trong nhà trường phổ thông thời gian qua cũng đang gây ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội, đòi hỏi Bộ GD-ĐT quan tâm làm rõ”, báo cáo nêu.
Ủy ban cũng đưa ra những đề xuất với Bộ GD-ĐT như chỉ đạo, triển khai tổng kết, đánh giá việc biên soạn, in, phát hành, sử dụng SGK, sách bài tập, tài liệu tham khảo, mô hình thí điểm VNEN và thực nghiệm tài liệu Tiếng Việt lớp 1 CNGD. Trên cơ sở đó kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về SGK, sách bài tập và tài liệu tham khảo, về thí điểm, thực nghiệm trong giáo dục. Đồng thời thông tin rộng rãi về kết quả tổng kết, đánh giá, tạo sự chia sẻ, đồng thuận trong ngành giáo dục, trong nhân dân và xã hội.
Ủy ban cũng kiến nghị, đề xuất với UBND các tỉnh/ thành phố có thực hiện thí điểm mô hình trường học mới (VNEN) và tài liệu Tiếng Việt lớp 1 CNGD, chỉ đạo Sở GD-ĐT tổ chức tổng kết, đánh giá thí điểm mô hình trường học mới VNEN và sách Tiếng Việt lớp 1 CNGD trên địa bàn. Trên cơ sở đó kiến nghị việc tiếp tục hay dừng triển khai giảng dạy đối với các tài liệu thí điểm này.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời, nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm trong việc xuất bản, in, phát hành SGK, sách bài tập, tài liệu tham khảo nói riêng và xuất bản phẩm nói chung trên địa bàn.
Thanh Hùng
Tại sao giá sách VNEN cao hơn SGK thông thường?
Trong phần giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in và phát hành SGK giáo dục phổ thông giai đoạn 2012-2017, Bộ GD-ĐT đã nêu ra lý do mà sách Hướng dẫn học mô hình VNEN có giá cao hơn SGK khoảng 1,5-1,6 lần.
Vì sao mô hình VNEN lại gặp nhiều trở ngại ở Việt Nam?
Vì sao một mô hình giáo dục có tính quốc tế, với triết lý giáo dục được ứng dụng thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới, lại gặp nhiều trở ngại ở Việt Nam?
VNEN: Bộ Giáo dục "chung tay" chứ không "buông tay"
Trước thông tin về báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động của VNEN vừa được WB công bố, ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) đã có trao đổi đa chiều về nội dung trên.
VNEN không hợp "thổ nhưỡng" giáo dục Việt Nam hiện tại
"Bối cảnh nền giáo dục của Việt Nam hiện tại không có những điều kiện cần để mô hình vay mượn VNEN có thể đem lại hiệu quả..." - TS Đỗ Thị Ngọc Quyên nhận định.