Ngày 14/2, Công an TP.HCM phối hợp cùng Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM bắt giữ một người quốc tịch Việt Nam dùng giấy tờ giả xin thị thực đi Mỹ theo dạng du học. Người này đã nộp bộ hồ sơ bao gồm giấy hẹn phỏng vấn và tờ đơn I-20. 

Qua kiểm tra, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ xác định giấy hẹn phỏng vấn và đơn I-20 bị làm giả, các thông tin gốc thuộc về các đương đơn khác đã từng xin thị thực.

Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM. Ảnh: USIS Group

Sau khi tiếp nhận tin báo, Công an phường Bến Nghé, quận 1 đã phối hợp cùng đơn vị chuyên môn bắt giữ người nói trên bên ngoài khuôn viên Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ, đồng thời thu giữ các bằng chứng, hồ sơ liên quan để tiếp tục điều tra.

Về việc xử lý hành vi sử dụng giấy tờ giả khi xin thị thực, trao đổi với VietNamNet, luật sư Phạm Ngọc Anh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho hay, trong trường hợp này, người sử dụng giấy tờ giả nêu trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức" theo Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Hành vi này có thể bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

Trường hợp người này tự thực hiện hành vi làm giả giấy tờ hoặc là thành viên của tổ chức chuyên sản xuất, mua bán các loại giấy tờ giả thì có thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” được quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 341 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 2 - 5 năm tù hoặc từ 3 - 7 năm tù tuỳ vào mức độ phạm tội, đồng thời có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng.

Ngoài ra, hình phạt dành cho các đối tượng làm hồ sơ định cư Mỹ giả cũng tùy theo từng trường hợp khác nhau. Đối với những trường hợp nhẹ nhất – nằm ở mức độ cảnh cáo thì hồ sơ của họ sẽ bị treo, đương đơn bị phạt hành chính và hồ sơ bị từ chối tạm thời. 

Với mức độ nghiêm trọng nhất, đương đơn sẽ bị cấm vĩnh viễn không được nhập cảnh Mỹ.