Chỉ trong vòng 1 năm, thị trường đặt xe tại Việt Nam đã xảy ra hàng loạt biến động nhân sự ở cấp cao nhất tại các startup đặt xe đình đám. Liệu đây có phải những biến cố của các startup yếu thế hơn trước "cơn bão lấy tiền đè người" của Grab - ông lớn đang chiếm lĩnh tới 70% thị phần gọi xe tại Việt Nam?
Chúng tôi xin điểm lại những diễn biến chính trong "cơn mưa" thay người ở các dự án đặt xe đình đám này.
Go-Viet: Vào Việt Nam hơn 1 năm, thay 2 CEO cách nhau chưa đầy 6 tháng
Biến động nhân sự cấp cao dữ dội và sớm nhất phải kể đến Go-Viet.
Cuối tháng 3/2019, ông Nguyễn Vũ Đức và bà Linh Nguyễn cùng thôi chức Tổng giám đốc và Phó Tổng giám đốc phụ trách phát triển Go-Viet sau chỉ hơn nửa năm ứng dụng này ra mắt tại Việt Nam. Đây là hai nhân sự cấp cao gắn bó với Go-Viet từ thời điểm ứng dụng này bắt đầu hoạt động tại thị trường Việt Nam. Ông Đức và bà Linh trước đó làm việc tại ngân hàng BIDV.
Thời điểm đó, theo nguồn tin của Dealstreet Asia cho biết hai lãnh đạo này yêu cầu bồi thường 800.000 USD, một dấu hiệu cho thấy họ bị Go-Viet buộc nghỉ việc. Go-Viet từ chối bình luận về thông tin bồi thường, đồng thời cho biết ông Đức và bà Linh nhận vị trí cố vấn tại Go-Jek và tiếp tục làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, trang Linkedin cá nhân của hai cựu lãnh đạo Go-Viet đều không cập nhật thông tin công việc mới ở Go-Jek.
Ông Nguyễn Vũ Đức - cựu CEO Go-Viet.
Gần một tháng sau, Go-Viet thông báo bổ nhiệm cựu giám đốc Facebook Việt Nam Lê Diệp Kiều Trang làm CEO mới. Bà Trang là một trong những nữ doanh nhân có tiếng trong giới công nghệ Việt khi từng giữ nhiều vị trí quan trọng tại Misfit, Fossil, Facebook Vietnam. Tuy nhiên, bà Trang cũng rời vị trí CEO Go-Viet sau 5 tháng tại vị. Sau khi rời Go-Viet, bà Trang đảm nhận vai trò đồng sáng lập Quỹ đầu tư mạo hiểm Alabaster tại Việt Nam. Trong chia sẻ mới đây với Trí thức trẻ, bà Trang thừa nhận "không có duyên làm thuê nên không làm thuê nữa đâu".
Bà Lê Diệp Kiều Trang - Cựu CEO Go-Viet.
Tháng 8/2019, tròn 1 năm gia nhập thị trường, Go-Viet đánh dấu mốc 100 triệu chuyến xe và có hơn 125.000 đối tác tài xế. Tuy nhiên, theo thông tin của công ty nghiên cứu thị trường ABI Research, Go-Viet chỉ chiếm hơn 10% thị phần của thị trường gọi xe Việt Nam trong 6 tháng đầu năm với 21 triệu chuyến xe đã hoàn thành. ABI cũng thông tin số chuyến xe của Go-Viet trong năm 2018 là 40 triệu.
Theo ABI, có thể thấy tốc độ tăng trưởng Go-Viet đang khá chậm vì thực tế trong năm 2018, Go-Viet chỉ hoạt động trong 5 tháng cuối năm từ tháng 8 đến tháng 12.
Đến nay, Go-Viet vẫn chưa hé lộ thời điểm sẽ triển khai dịch vụ vận chuyển bằng ôtô dù đã được Sở Giao thông Vận tải TP.HCM chấp thuận tham gia đề án 24 về thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ và quản lý kết nối hoạt động vận tải khách theo hợp đồng trên địa bàn thành phố cho đến khi nghị định 86 mới về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô có hiệu lực.
Bên cạnh đó, Go-Viet cũng chưa ra mắt dịch vụ thanh toán điện tử Go-Pay. Trước đó, đầu tháng 7 năm 2018, Go-Viet thông tin đang tuyển dụng giám đốc pháp chế và giám đốc phát triển kinh doanh cho Go-Pay với lời giới thiệu "đây là cơ hội trở thành một phần trong nhóm điều hành cấp cao chuẩn bị khởi chạy Go-Pay ở Việt Nam".
Và tệ hơn nữa, đến nay Go-Viet chỉ có đúng một lựa chọn thanh toán duy nhất trên ứng dụng là tiền mặt, không hề có phương thức thanh toán qua thẻ như các đối thủ.
AhaMove - Chia tay CEO kiêm đồng sáng lập gắn bó lâu năm
Sau khi Go-Viet thay CEO Nguyễn Vũ Đức không lâu, đầu tháng 4/2019, đồng sáng lập kiêm CEO AhaMove Nguyễn Xuân Trường cũng rời vị trí cao nhất sau 3,5 năm điều hành startup giao hàng on-demand này. Người thay thế ông Trường là ông Phạm Hữu Ngôn, CTO (Giám đốc Kỹ thuật) của AhaMove.
Một nguồn tin chia sẻ, nếu như Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc Go-Viet rời công ty với lý do xích mích với Go-Jek về tính pháp lý của công ty Go-Viet (công ty Việt hay công ty Indonesia, Go-Jek là công ty mẹ hay chỉ đầu tư…) thì nội bộ AhaMove lục đục về góc nhìn chiến lược của từng người.
Ông Nguyễn Xuân Trường - Cựu CEO AhaMove.
AhaMove trực thuộc Giao hàng Nhanh (nay là Scommerce), được sáng lập bởi ông Lương Duy Hoài và ông Phước Trần, một cựu thành viên của EasyTaxi. Ông Phước Trần nhanh chóng rời khỏi AhaMove chỉ sau 1 năm.
Lúc bắt đầu tham gia đội ngũ sáng lập AhaMove, ông Trường đóng vai "tổng quản" Hà Nội - dựng team từ số 0. Ngoài thị trường xe máy, tháng 11/2015, đội Hà Nội cũng nhận nhiệm vụ kích hoạt thị trường xe tải trong nội thành.
Khi Scommerce quyết định thử sức ở lĩnh vực giao đồ ăn trực tuyến với dịch vụ Lala, thị trường phía Nam được giao cho ông Nguyễn Trung Tín và ông Trường được phân công đảm nhiệm cả chức vụ CEO AhaMove và là người khởi xướng cho Lala ở miền Bắc. Tuy nhiên, chiến trường Food quá "đẫm máu". Ngay trước thềm năm mới 2019, Lala đã rời cuộc chơi.
Theo ông Trường, một nghịch lý phải giải trong các platform là vấn đề "Con gà – Quả trứng". Với AhaMove thì đó là câu chuyện của Shipper (xế) và đơn hàng: Ít đơn, ít xế, mà ít xế thì lại ít đơn.
Sau khi rời AhaMove, ông Trường đầu quân cho ví điện tử Momo ở cương vị Giám đốc mảng P2P.
Sau khi tái cơ cấu nhân sự cấp cao, dưới sự điều hành của tân CEO Phạm Hữu Ngôn, tình hình kinh doanh tại AhaMove đã có nhiều khởi sắc.
Giữa tháng 9/2019, ông Ngôn chia sẻ với báo chí, hiện mỗi ngày trên hệ thống AhaMove giao bình quân khoảng 60.000 đơn hàng. Hệ thống của AhaMove có 100.000 tài xế đăng ký, nhưng bình quân mỗi ngày có khoảng 20.000 tài xế có hoạt động giao hàng trên hệ thống. Thu nhập bình quân của mỗi tài xế dao động từ 4 – 15 triệu đồng/tháng.
Lãnh đạo danh nghiệp này cho biết họ không chọn hướng “đốt tiền” như một số đối thủ mà chọn hướng liên tục cải tiến công nghệ, thử nghiệm các dịch vụ mới liên tục, đưa ra các dịch vụ giúp giảm giá thành cho khách hàng, tăng thu nhập cho tài xế, thay vì đổ tiền vào khuyến mãi dịch vụ.
be - Thay tướng sau 1 năm tuổi bứt phá đầy ấn tượng
"be" là một ứng dụng sinh sau đẻ muộn nhất tại thị trường Việt Nam nhưng ở thời điểm đó cũng là doanh nghiệp có nhiều "tiềm lực" nhất. Ngày 13/12/2018, Ứng dụng gọi xe "be" chính thức ra mắt thị trường Việt Nam. Ở thời điểm đó, ông Trần Thanh Hải, CEO beGroup công bố ứng dụng này được đăng ký kinh doanh lĩnh vực vận tải. Vị CEO này cũng tham vọng muốn có 6,6 triệu lượt tải và 105 triệu chuyến đi sau 1 năm.
Sau đúng 1 năm ra mẳt "be" cũng hướng đến phát triển một hệ sinh thái số tiềm năng và cung cấp nhiều dịch vụ, trong đó dịch vụ chính là beBike (dịch vụ đặt xe 2 bánh), beCar (dịch vụ đặt xe 4 bánh), beFinancial (dịch vụ cung cấp giải pháp tài chính hiệu quả cho khách hàng cá nhân, tài xế và doanh nghiệp), beExpress (dịch vụ chuyển phát bưu chính), beDelivery (dịch vụ giao hàng) và gần nhất là chương trình khách hàng thân thiết beLoyalty nhằm cạnh tranh với GrabRewards.
Tính đến nay, ứng dụng gọi xe "be" đã có mặt tại 9 tỉnh, thành phố bao gồm Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng; được tải xuống 5,5 triệu thiết bị di động với 60.000 tài xế, khoảng 350.000 chuyến xe được yêu cầu mỗi ngày và đã hoàn thành khoảng 36 triệu chuyến xe beBike và beCar kể từ khi bắt đầu chính thức triển khai dịch vụ từ tháng 12/2018. Theo báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường ABI Research tại Việt Nam, "be" đã vươn lên vị trí số 2 và là doanh nghiệp Việt duy nhất trong top 3 những ứng dụng gọi xe phát triển nhất trên thị trường.
Với những kết quả này, không thể phủ nhận be vừa đi qua 1 năm khá ấn tượng khi vươn lên vị trí số 2 trên thị trường gọi xe, chỉ đứng sau Grab. Nhưng chưa đầy 2 tuần sau dịp "thôi nôi" startup, thông tin CEO Trần Thanh Hải rời công ty được tung ra.
Cụ thể, ngày 24/12, Công ty cổ phần beGroup – đơn vị sở hữu và phát triển ứng dụng gọi xe "be" chính thức thông báo việc thay đổi nhân sự cấp cao. Theo đó, bà Nguyễn Hoàng Phương – hiện là Giám đốc vận hành – sẽ giữ vị trí quyền Tổng giám đốc beGroup kể từ ngày 24/12/2019. Ông Trần Thanh Hải – Tổng Giám đốc sẽ nghỉ vì lý do cá nhân, nhưng tiếp tục giữ vai trò cố vấn chiến lược cho Hội đồng quản trị.
Bà Nguyễn Hoàng Phương cùng với ông Trần Thanh Hải đều là những thành viên sáng lập của ứng dụng gọi xe "be". Trong 1 năm qua, bà Phương là người đóng vai trò triển khai vận hành của "be". Bà am hiểu công ty và sát cánh cùng ông Hải và Hội đồng quản trị để góp phần đưa "be" đến với thành công hiện tại.
Cách đây hơn 3 tháng, ông Trần Thanh Hải, CEO của beGroup từng tuyên bố đầy hứng khởi về việc xây dựng "be" thành một đế chế hùng mạnh nhằm ghi tên Việt Nam lên bản đồ khu vực trong lĩnh vực siêu ứng dụng.
Theo nhiều đồn đoán, lý do sự ra đi này của ông Hải khả năng là do "be" đã bội chi quá nhiều và quá nhanh trong một thời gian ngắn nên nhóm các nhà đầu tư tài chính cho be đến từ VPBank đã quyết định ngưng rót tiền? Ông Hải cũng đã rất nỗ lực nhưng không tìm được nguồn tiền mới?
Nhiều ứng dụng khác đã hoàn toàn im hơi lặng tiếng
Dù đã có những xáo trộn lớn về nhân sự cấp cao nhưng chí ít các startup nêu trên còn có thể tiếp tục kinh doanh và tìm hướng giải quyết các vấn đề của mình. Trên thực tế, thị trường gọi xe khốc liệt đã chứng kiến sự ra đi của nhiều công ty lớn nhỏ, không chỉ riêng gì CEO.
Tên tuổi lớn nhất phải kể đến là Uber. 23h ngày 8/4/2018, Uber chính thức khóa ứng dụng, đặt dấu chấm hết cho chặng đường 4 năm có mặt tại Việt Nam. Công ty mẹ Uber đã quyết định bán mảng kinh doanh tại Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) cho Grab.
Trước thời điểm chính thức đóng cửa, Uber từng gặp nhiều khó khăn tại Đông Nam Á và cả Việt Nam trong năm 2017. Đầu tháng 10/2017, ông Đặng Việt Dũng cũng chính thức rời vị trí CEO Việt Nam sau 3 năm giữ chức.
Ông Đặng Việt Dũng - Cựu CEO Uber Việt Nam.
Thời điểm Uber rời thị trường Việt Nam, VATO được xem là ứng dụng tiềm năng khi được Phương Trang rót ít nhất 100 triệu USD. Thời điểm này, Vato cho biết họ đã có khoảng 8.000 tài xế đăng ký chạy xe cho dịch vụ gọi xe này sau khi ứng dụng Uber chuẩn bị dừng hoạt động ở Đông Nam Á. Hiện VATO có tổng cộng khoảng 9.000 tài xế.
Tháng 9/2019, sau thời gian im hơi lặng tiếng, VATO gây chú ý khi thông báo giảm chiết khấu của tài xế tham gia dịch vụ gọi xe xuống mức thấp nhất thị trường là 5%, sau đó tiếp tục gây bất ngờ với dịch vụ giao hàng đồng giá 9.000 đồng cho quãng đường dưới 5 km. Dù vậy, xét về thị phần, ứng dụng này vẫn khá lép vế so với các đối thủ khác trên thị trường.
Ứng dụng của ABER chào sân hồi tháng 6/2018 với điểm mới không thu chiết khấu của tài xế, tung ra 6 sản phẩm dịch vụ như xe máy, ô tô, giao hàng, xe doanh nghiệp... Thế nhưng chỉ sau vài tháng, ứng dụng này phải thông báo ngừng hoạt động.