- "Họ làm phim hời hợt và liên tục vác cái xác không đến hiện trường, trước cảnh quay không bao giờ chịu đọc kịch bản và nghiên cứu nhân vật, được nhắc câu gì thì nói câu đó giống như một cái máy. Với họ, "sao" là phải thế!", NSND Hoàng Dũng.

Khi người đẹp không chọn trường điện ảnh
Sao ảo đầy rẫy, sao thật mất tăm
Nhiều thảm họa vì diễn viên chỉ giỏi lăng xê
Đau đầu, nhức mắt vì diễn viên thời loạn

 

Tiếp tục mạch bài mổ xẻ chất lượng diễn viên truyền hình hiện nay, VietNamNet đã phỏng vấn diễn viên gạo cội Hoàng Dũng để tìm hiểu cội rễ vấn đề và tìm hướng giải quyết.

Thoại khơi khơi, diễn vờ vịt


Sự xuất hiện quá nhiều diễn viên thiếu tự trọng, các diễn viên chuyên nghiệp bị "mắng" lây.

Ông có nghe những dư luận ồn ào thời gian gần đây liên quan đến diễn viên truyền hình mà phần lớn là những nhận xét không hay?

Là những người làm nghề, tất nhiên chúng tôi quan tâm đến những thông tin như vậy. Nguyên nhân do số lượng phim truyền hình sản xuất ồ ạt mà đầu phim tại TP.HCM nhiều hơn đầu phim phía Bắc, hơn gấp nhiều lần là có lý do của nó. Các diễn viên trong SG đến 80-90% là diễn viên tự do, không thuộc biên chế nhà nước và rất thoải mái tham gia làm phim. Còn ngoài Bắc, những người làm việc chuyên nghiệp chủ yếu lại nằm trong các đoàn diễn chuyên nghiệp, phụ thuộc vào kế hoạch biểu diễn của nhà hát hay đoàn nghệ thuật họ thuộc biên chế. Bản thân tôi năm ngoái cũng phải từ chối đến 10 phim, phần lớn là viết cho mình vì không sắp xếp được thời gian tham gia. Dù rất ngại nhưng tôi vẫn phải đành từ chối.

Hiện trạng sản xuất phim hiện nay có thể nói đã sinh ra những bộ phim kém chất lượng. Họ chỉ cần những khuôn mặt mới hay một người nổi tiếng ở lĩnh vực nào đó như ca nhạc, thời trang tham gia để làm khán giả tò mò. Một lực lượng người mẫu rất lớn nhảy sang làm phim có những thuận lợi nhất định là hình thức chuẩn nhưng diễn xuất thì chỉ đạt đến mức độ nào đó, vừa với khả năng của họ. Từ đó tạo ra những vai diễn hời hợt, mang tính minh họa. Khán giả thì luôn có đòi hỏi khắt khe rằng diễn viên vừa phải có hình thể đẹp, vừa diễn xuất tốt mà điều này thì rất khó. Diễn viên chuyên nghiệp thì ít người có hình thể đẹp. Khán giả vừa thích xem những vai diễn tới nơi tới chốn, lại vừa muốn thấy một diễn viên có hình thể hấp dẫn. 

Thêm vào đó, các hãng phim tư nhân lại luôn đặt tiêu chí kinh doanh lên đầu nên đôi khi họ chỉ cần gương mặt này xuất hiện trong phim để đảm bảo chuyện doanh thu quảng cáo. Gần đây một số phim tư nhân xuất hiện nhiều ở phía Nam rơi vào tình trạng: thoại khơi khơi, diễn vờ vịt, hoàn toàn mang tính chất minh họa. Diễn viên chỉ có hình thể đẹp. Vậy thôi. Chẳng bao giờ tôi xem những phim đó cả, chỉ được 15 phút là không xem được nữa vì có xem nữa thì cũng chỉ đến thế thôi.
Tham gia tuyển chọn nhiều khóa diễn viên và cũng đứng lớp dạy diễn xuất rất nhiều mà gần nhất là khóa đào tạo diễn viên phim cổ trang, ông thấy điều thiếu hụt lớn nhất của các diễn viên khi tham gia những khóa đào tạo diễn xuất hiện nay là gì?

Điểm được của các bạn ấy là ham muốn làm phim, thích làm phim. Tôi không dùng từ đam mê vì nếu đam mê thì họ đã chọn con đường chuyên nghiệp. Nghề diễn viên luôn có hai mặt. Một mặt là hào quang bên ngoài nhiều và nhiều bạn soi gương thì luôn thấy mình đẹp như những gì đang có. Thậm chí một số người tốt nghiệp trường cao đẳng hay đại học, làm được 1-2 phim rồi đã nghĩ thế là đủ, không cần phải phấn đấu nữa.

Họ làm phim hời hợt và liên tục vác cái xác không đến hiện trường, trước cảnh quay không bao giờ chịu đọc kịch bản và nghiên cứu nhân vật, được nhắc câu gì thì nói câu đó giống như một cái máy. Với họ, "sao" là phải thế. Bản thân tôi từng này tuổi rồi, hơn 30 năm làm nghề chưa bao giờ tôi dám vác cái xác không lên sân khấu hay cái đầu rỗng không đến hiện trường để quay. Nếu hôm nào vì công việc quá bận, tôi nói: "Xin phép các bạn hôm nay vì quá bận nên đoạn này cho tôi một thời gian ngắn để nghiên cứu".

Chính khán giả làm hỏng diễn viên


NSND Hoàng Dũng hiện là Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội.

Ông có hay phải làm việc với những diễn viên chỉ vác cái xác không đến trường quay? và mỗi lần như vậy ông có bực mình không?

Có. Rất bực mình! Họ nghĩ rằng phim truyền hinh hiện nay ai cũng diễn được nên không chịu tìm hiểu nhân vật thế nào, bên dưới lời thoại có gì. Nhiều người chỉ cần mở mồm ra nói là đã biết không thuộc thoại hoặc không hiểu lời thoại nói gì.
Tất nhiên không phải diễn viên nào hiện nay cũng đều tệ cả nhưng sự xuất hiện quá nhiều những vai diễn tệ hại trên màn ảnh thời gian qua khiến cho người ta có cái nhìn không hay về diễn viên. Là một diễn viên lâu năm trong nghề và có tự trọng, ông có thấy chạnh lòng và bị xúc phạm không khi nghề diễn của mình đang bị nhìn nhận méo mó đi?

Cũng buồn. Nhưng khổ nỗi điều đó lại không nằm trong tầm tay của mình. Nước nào cũng có dòng phim thị trường và tôi nghĩ diễn viên tham gia dòng phim này phải là những diễn viên giỏi, giỏi đủ thứ. Không những có hình thức đẹp, giỏi diễn xuất, họ còn phải có những kỹ năng khác như múa đẹp, hát hay... để trở nên hấp dẫn trên màn ảnh. Trong khi đó diễn viên ở VN hiện nay thì không có những cái đó.

Nhân đây tôi cũng muốn nói đến chuyện duyệt phim. Cái không cần khắt khe thì lại khắt khe quá. Nếu như trong quá trình duyệt phim mà có yêu cầu rằng nếu vai diễn chán quá thì từ nay diễn viên ấy phải nghỉ một thời gian, không được làm phim vì diễn thiếu trách nhiệm. Thậm chí có phim không được chiếu vì diễn viên tồi, ví dụ vậy. Khi xem phim có một lượng lớn khán giả chê nhưng một lực lượng lớn khán giả lại làm hỏng diễn viên tay ngang. Họ vỗ về, vồ vập làm cho diễn viên ấy tưởng mình đang ở trên mây.
Nhiều người lần đầu làm phim thì vận động kỹ nhưng khi đã làm được vài phim rồi là bắt đầu "chảnh". Họ đòi cát-sê này, điều kiện làm việc kia và cho rằng như thế mới là "sao". Học làm nghề chuyên nghiệp thì không học mà chỉ học những mặt trái. Điều này xuất phát từ việc họ vào nghề diễn không phải vì yêu nó mà là để tôn mình lên.

Ông có đề cập đến cơ chế duyệt phim, vậy theo ông có cần có một chế tài nào đó để "xử" những diễn viên tồi và những phim dở không?

Nếu một bộ phim xem xong, họ thấy nhân vật đã bị diễn viên làm hỏng, kéo theo làm hỏng phim và không cho chiếu thì "của đau con xót", các nhà đầu tư chắc chắn sẽ phải làm ăn đàng hoàng và nghiêm túc hơn. Hãy cho những nhà làm phim thiếu nghiêm túc một bài học, hãy cho những diễn viên hời hợt một bài học. Thực tế là hiện nay rất nhiều người mở công ty làm phim lại không hiểu gì về phim, không hiểu biết gì về nghệ thuật. Tất nhiên họ có thể mời những người giỏi về làm nhưng mục tiêu kinh doanh vẫn được đặt lên trên cao.

Nhiều khi đi làm phim tôi thấy rất xấu hổ vì họ cố nhồi vào đó một diễn viên chẳng biết cái gì cả. Không lẽ lại phải dạy họ làm từng cảnh quay? Nhưng mình đâu có ăn lương để làm việc đó và mình làm thế chắc gì họ đã chấp nhận. Để giải quyết điều này, trước hết các nhà làm phim hãy làm phim một cách nghiêm túc hơn bởi diễn viên chỉ là một khâu trong đó. Nếu phim không đảm bảo chất lượng về mặt hình ảnh, nội dung hay diễn viên không được phép chiếu thì tình hình sẽ khác. Hiện nay chúng ta chỉ đang không cho chiếu nhũng phim vi phạm về mặt chính trị còn những phim không đạt về mặt nghệ thuật, nội dung, hình ảnh, diễn xuất đang được thả nổi.
Xin cảm ơn ông!

Hạnh Phương