Ông Phạm Phúc Thịnh, phó hiệu trưởng phụ trách khối phổ thông Trường Việt Mỹ (TP.HCM), chia sẻ hai câu chuyện ông gặp trong thời gian gần đây - là những tình huống mà người làm công tác quản lý giáo dục nhờ có sự xử trí khéo léo, tinh tế mà đưa lại hiệu quả bất ngờ.
VietNamNet giới thiệu bài viết của ông Thịnh.
1. Tiết dạy học cho ai?
4h sáng hôm nọ, tôi đang làm việc thì nhận được tin nhắn của một bạn giáo viên quen trước đây. Có vẻ như bạn ấy đã trăn trở khá nhiều trước khi hỏi ý kiến tôi.
Tin nhắn ông Phạm Phúc Thịnh nhận được |
Chuyện cũng không có gì to lắm, bạn ấy đang theo đuổi một cách thức giảng dạy mới, nhưng bây giờ có "sếp" dự giờ, và bạn ấy bị giằng co giữa "đổi mới" hay "truyền thống".
Tôi trả lời "Hãy dạy theo phong cách của cô". Tôi muốn lâu nay bạn ấy đã dạy thế nào thì cứ dạy như thế, đừng bận tâm việc có sếp dự giờ.
Đơn giản, quan điểm của tôi là bạn dạy cho học sinh học chứ không phải dạy cho người dự giờ học. Vậy tại sao phải thay đổi cách dạy mà học sinh đang thích chỉ vì có người dự giờ?
Tất nhiên, có thể sếp sẽ không hưởng ứng cách dạy mới của bạn, có thể đánh giá tiết dạy đó không đúng theo giáo học pháp.... nếu sếp là người "truyền thống".
Nhưng đâu có sao, kết quả học tập của học sinh là câu trả lời chính xác nhất cho mọi sự nghi ngờ.
Tôi mong chờ câu trả lời cuối cùng của bạn vào cuối học kỳ và cuối năm học.
2. Tấm kính cửa bị vỡ
11h30 trưa một ngày trong tuần, tôi đang ngồi làm việc thì nghe một tiếng "xoảng" rất lớn của một tấm kính bị vỡ, và sau đó là một khoảng lặng bất ngờ ngoài hành lang đang rất đông học sinh ồn ào.
Biết chắc có sự cố gì đó, tôi mở cửa ra ngoài hành lang và thấy một đám đông học sinh đang tụ tập rất đông trước cửa một lớp học cách phòng tôi không xa.
Tôi đi lại đó, và thấy một cánh cửa kính bị vỡ, mảnh văng tung tóe. Học sinh đứng quanh đó, lặng như tờ chăm chú nhìn xem tôi sẽ làm gì.
Có lẽ, các em học sinh nghĩ tôi sẽ quát mắng um sùm? Sẽ nạt nộ để tìm xem ai là thủ phạm? Sẽ la giám thị, giáo viên sao không quản lý học sinh?...
Tôi thấy một học sinh bị xước da chảy máu đang ngồi trên sàn. 3 em khác đang lấm lét nhìn tôi, đợi chờ cơn thịnh nộ.
Tôi chỉ nhẹ nhàng yêu cầu học sinh tránh xa chỗ mảnh vỡ, nhắc một giáo viên gọi người phục vụ đến dọn mảnh vỡ sạch sẽ, nhắc một giáo viên khác xuống gọi nhân viên y tế lên xử lý vết thương học sinh, nhờ một vài học sinh và giáo viên dán băng keo lên những mảnh vỡ cón đang dính trên cửa để khỏi rơi và dán cảnh báo nguy hiểm trong lúc chờ thay kính mới lên cánh cửa.
Sau đó, tôi nhắc học sinh về phòng ngủ trưa và đề nghị giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở các em cẩn thận khi chơi đùa, tránh các tình huống xấu như vậy xảy ra.
Không một lời la lối, không một lời truy tìm thủ phạm, không một lời mắng mỏ.
Trưa hôm sau, tôi thật ngạc nhiên khi cánh cửa đã được "ai đó" thay tấm kính mới vào đàng hoàng.
Hỏi giáo viên chủ nhiệm thì được biết 3 em học sinh làm vỡ cửa trong lúc đùa nghịch đã tự đến gặp cô, nhận lỗi và đề nghị cho các em được thay tấm kính cửa đó.. Cô chủ nhiệm không hề "truy tìm thủ phạm", cũng không yêu cầu, đòi hỏi các em phải "đền bù thiệt hại".
Xin cảm ơn "thủ phạm" đã gây ra vụ vỡ kính. Không phải vì các em đã thay kính, mà thầy cảm ơn vì các em đã tự nhận ra lỗi của mình, đã tự đưa ra cách giải quyết hợp lý.
Hành động này đã làm cho thầy và các thầy cô trong trường tin rằng các em sẽ biết cách ứng xử đúng khi được đối xử tôn trọng.
Việc làm của các em cũng giúp thầy tin hơn vào hướng giáo dục thầy đã chọn: hãy nhẹ nhàng, tôn trọng và cho học sinh có được cơ hội suy nghĩ về việc làm của mình.
Cảm ơn giáo viên chủ nhiệm lớp, các thầy cô đã ủng hộ tôi trong việc xử lý tình huống sư phạm này - không cần la lối quy trách nhiệm, không cần tìm xem ai là thủ phạm, không cần rất nhiều hành động theo kiểu "truyền thống" trước những tình huống như thế.
Tôi vẫn luôn tin rằng điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đến với trái tim.
Phạm Phúc Thịnh