Như thường lệ, dịp 20/10 đến lại là cơ hội để nhiều chị em phụ nữ bộc bạch tâm sự của mình, trong cuộc sống và công việc ngày thường. Nhất là với những cô gái đang có mặt trong làng game Việt, đây thực sự cũng là cơ hội để nói lên những suy nghĩ về môi trường hoạt động đã lựa chọn. Dưới đây, là những tâm tư của cô Ang Hạ Liên, cán bộ phụ trách truyền thông SSGroup cùng bạn đọc.
Ang Hạ Liên - cán bộ phụ trách truyền thông SSGroup
- Tại sao bạn chọn ngành game để làm việc ? Điều tâm đắc của bạn với ngành này là gì ?
Tôi đến với ngành game, có thể nói là do cơ duyên trên con đường sự nghiệp làm truyền thông của mình. Và sau khi gia nhập, làng game Việt đã giữ chân tôi lại gần 4 năm.
Như câu cửa miệng đùa cũng như bao ngành khác, đối với tôi: “Làm game là một nghệ thuật, người làm game là một nghệ sĩ”. Những người tạo ra sản phẩm game là người vừa có một cái đầu chính xác với các con số, mã code, vừa nhạy bén với xu hướng thị hiếu khách hàng công nghệ vốn thay đổi xoành xoạch. Họ cũng phải có một khối óc hết sức sáng tạo và phong phú để mang những sản phẩm thú vị và hấp dẫn đến với khách hàng.
Điều hấp dẫn khiến tôi gắn bó với game, là 3 yếu tố chính:
- Sáng tạo không giới hạn: Game không quá “giả tạo” như showbiz, cũng không quá cứng nhắc như thương mại sản xuất. Làm truyền thông cho game, chúng tôi được tha hồ tạo ra những điều người ta từng nghĩ đến mà không dám làm.
- Môi trường không giới hạn: Qua 2 công ty game lớn mà tôi đã và đang tham gia, tôi luôn nhận được môi trường làm việc hết sức thoải mái, tự do và luôn có cơ hội phát huy khả năng. Có lẽ, đây là đặc điểm chung của các công ty công nghệ ?
- Gắn bó không giới hạn: Nền tảng của làng game Việt được xuất phát từ các game thủ vốn thích chốn Võ Lâm, yêu việc hành nghĩa và xem bạn bè như huynh đệ. Chính vì thế, đa phần các mối quan hệ trong từng bộ phận vàcả công ty luôn là thân thiết và gắn bó. Bởi lẽ 1 dự án game muốn thành công, luôn phải tồn tại sự đoàn kết giữa các thành viên.
- Nhìn nhận của nhiều người cho rằng ngành game có nhiều áp lực mà cơ hội phát triển thu nhập lại không được bao nhiêu, nhất là với nữ giới. Bạn nghĩ thế nào ?
Câu nhìn nhận đó có thể đúng mà cũng chưa hoàn toàn chính xác bởi những góc nhìn khác.
Rõ ràng nó sẽ áp lực với các bạn nữ, đặc biệt với những ai đã có gia đình. Vì đôi lúc ở giai đoạn đỉnh điểm phải ra mắt sản phẩm, bạn phải đi sớm về muộn, thậm chí… qua đêm tại công ty. Nếu bạn vượt qua được lần thứ nhất, lần thứ hai, lần ba thì dần dần cũng… chai sạn và quen (cười).
Về thu nhập, lương căn bản có thể không cao. Nhưng nếu bạn chăm trồng cây, dĩ nhiên sẽ có ngày gặt quả xứng đáng với những công sức đã bỏ ra. Theo tôi, đa số người gắn bó với ngành chủ yếu vì đam mê là chính.
- Gia đình bạn có quan điểm thế nào về hoạt động game mà bạn tham gia ? Có khi nào bạn thấy mình bị ảnh hưởng tâm lý vì tham gia mảng game ?
Vì thường xuyên làm về muộn, nên tôi thỉnh thoảng bị ba mẹ càm ràm và bảo: “Sao không tìm công việc gì nhàn nhã ổn định, đi sớm về sớm mà làm cứ đâm đầu vào ngành này?” Tuy nhiên đó là quan điểm ngày cũ thôi".
Tôi nghĩ rằng, không chỉ làm game, mà tham gia bất cứ ngành nào mình cũng đều cần phải dốc sức và sự yêu thích. Vì vậy tâm lý sẽ không bị ảnh hưởng gì cả.
Cũng có lẽ do tôi quen tự lập từ nhỏ nên không ai can thiệp được gì.
- Sắp đến ngày phụ nữ Việt Nam, bạn có kế hoạch gì cùng với những bạn nữ cùng tham gia trong ngành game không ?
Hiện tại thì tôi chưa có kế hoạch gì cụ thể. Nho nhỏ thì có hoạt động của công ty dành cho chị em trong nhà.
Các bạn nữ cùng ngành cũng ít có dịp gặp mặt hay hội họp với nhau, chủ yếu là online. Nếu có thể, tôi mong có “Hiệp hội Phụ nữ làm game” để mọi người thỉnh thoảng gặp nhau tám chuyện hay làm những điều theo sở thích của phụ nữ.
- Theo bạn, xã hội, cộng đồng cần nhìn nhận và có thêm những hỗ trợ gì đối với những người nữ trong ngành game như bạn ?
Bản thân tôi không có yêu cầu hỗ trợ gì với phụ nữ trong ngành game cả. Bởi lẽ mọi người hãy cứ xem ngành game như một ngành bình thường như bao ngành khác trong xã hội là đủ. Có những ngành còn áp lực và vất vả hơn game nhiều.
Về khía cạnh nhìn nhận về ngành cũng thế, tôi chỉ mong mọi người cứ xem ngành game là ngành rất bình thường.
Phụ nữ tham gia làm game cũng là lao động, không có gì quá đặc biệt, có chăng là sức chịu đựng áp lực khá và cá tính mạnh hơn một xíu.
Có chăng, các đấng nam nhi trong ngành hãy quan tâm đến chị em một chút, tinh tế một chút, tạo ra những điều bất ngờ và thú vị hơn.
Bởi vì chúng tôi dù sao cũng là phụ nữ mà.
Nhân dịp 20/10, GOSU chúc bạn vạn sự như ý. Rất cám ơn bạn đã tham gia cuộc phỏng vấn này cùng chúng tôi.
Theo Gosu