Điện Kremlin. (Ảnh: RFI) |
Sau khi nghe Bộ trưởng Quốc phòng S. Timoshenko và Tổng tham mưu trưởng G. Zhukov báo cáo tình hình, I. V. Stalin ra lệnh triệu tập hội nghị Bộ Chính trị, mời cả Timoshenko và Zhukov tham dự.
Vào 4h30, tất cả các ủy viên bộ chính trị có mặt tại phòng làm việc của Stalin. Bộ trưởng Ngoại giao V. Molotov, sau khi nối liên lạc với sứ quán Đức rồi tiếp đại sứ Đức Schulenburg theo đề nghị của ông này, báo cáo: "Chính phủ Đức đã tuyên chiến với chúng ta!".
Cả phòng họp im lặng. Zhukov là người đầu tiên phá tan sự im lặng đó: "Xin phép ra lệnh cho các đơn vị bằng mọi cách ngăn chặn bước tiến của quân Đức". "Không phải ngăn chặn, mà là tiêu diệt", Nguyên soái Timoshenko nhấn mạnh. Stalin đứng dậy và nói: "Hãy thảo mệnh lệnh!".
7h15 phút sáng 22/6, Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô ra mệnh lệnh 02, yêu cầu các đơn vị Hồng quân “đánh trả và tiêu diệt kẻ thù ở tất cả các khu vực mà chúng đã vượt qua biên giới”. Tuy nhiên, “cho đến khi có mệnh lệnh mới, các đơn vị không được vượt qua biên giới”, trừ “các đòn tiến công của không quân có thể vào sâu lòng địch đến 100-150km”, song “chưa cho phép bay vào lãnh thổ Phần Lan và Rumany”, những "chư hầu" của nước Đức phát xít.
Trước đó, chiều 21/6, căn cứ vào các tin tình báo và được sự đồng ý của Stalin, Nguyên soái Timoshenko và Đại tướng Zhukov đã kí ban hành mệnh lệnh số 01, yêu cầu các đơn vị Hồng quân ngay trong đêm đó bí mật chiếm lĩnh các vị trí hoả lực trên biên giới và chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, mệnh lệnh này đã không kịp triển khai thực hiện, do hầu như toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc của các quân khu vùng biên giới đã bị gây nhiễu, phá hoại. Mãi đến 4-6h sáng (tức khi Bộ Chính trị đang họp), các đơn vị Hồng quân mới đến các vị trí tập kết ở biên giới – lúc này không quân Đức đã làm chủ bầu trời.
Mệnh lệnh 02 do không thực tế nên cũng không được thực hiện đầy đủ. Trước cuộc tiến công bất ngờ và ưu thế binh lực vượt trội của quân Đức, phần lớn các đơn vị Hồng quân buộc phải vừa chiến đấu đánh trả vừa rút lui. Trong khi đó, một số lượng lớn máy bay Liên Xô đã bị tiêu diệt ngay trên sân bay, vì vậy không quân không thể hoàn thành nhiệm vụ như dự kiến.
9h30, Stalin gặp lại Timoshenko và Zhukov. Ông yêu cầu 2 người soạn thảo sắc lệnh tổng động viên. Trước khi duyệt bản thảo, đích thân Stalin sửa chữa một số chỗ. 10h30, Timoshenko đề nghị Stalin cho thành lập Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh (Stavka) với chức năng chỉ đạo chiến lược đối với toàn quân. Stalin chưa kí ngay mà đề nghị đưa ra bộ chính trị thảo luận.
Ngày hôm sau (23/6), thành phần Stavka được xác định và gồm: Chủ tịch là Bộ trưởng Quốc phòng Timoshenko; các uỷ viên có Tổng Tham mưu trưởng Zhukov, Stalin, Molotov, Voroshilov, Budyonny, Tư lệnh Hải quân - Đô đốc Kuznetsov.
Sau này, ngày 30/6, đã thành lập Hội đồng Quốc phòng Nhà nước do Stalin đứng đầu, thực hiện toàn bộ quyền điều hành đất nước. Ngày 10/7, Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh đổi thành Đại bản doanh Bộ Tư lệnh tối cao, từ 10/8 là Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao, đứng đầu là Stalin. Ngày 19/7, Stalin được chỉ định làm Bộ trưởng Quốc phòng, từ ngày 8/8 là Tổng tư lệnh Tối cao Các lực lượng vũ trang Liên Xô.
Trong ngày đầu căng thẳng ấy, có ai đó đưa ra đề nghị là cần có thông báo chính thức của lãnh đạo đất nước về sự kiện vừa xảy ra, kêu gọi nhân dân đứng lên chiến đấu. Tuy nhiên, Stalin cho rằng chưa đến lúc ông cần phát biểu, mà người làm việc ấy là V. Molotov (Stalin phát biểu chính thức vào ngày 3/7). Thảo luận về nội dung phát biểu, Stalin yêu cầu nhấn mạnh chi tiết Liên Xô đã làm mọi việc để giữ quan hệ với Đức và bảo vệ hoà bình. Tuy nhiên, Liên Xô sẽ chứng minh là Hitler đã tính sai, chúng sẽ bị tiêu diệt. Liên Xô sẽ rất khó khăn, nhưng cần phải đứng vững vì không có lối thoát nào khác.
Đúng 12h trưa, Molotov thay mặt Chính phủ Liên Xô phát biểu trên hệ thống truyền thanh quốc gia. Stalin đã đưa vào bài phát biểu một câu mà sau này trở thành khẩu hiệu nổi tiếng trong suốt cuộc Chiến tranh Vệ quốc: “Sự nghiệp của chúng ta là chính nghĩa, kẻ thù nhất định bị tiêu diệt, thắng lợi sẽ thuộc về chúng ta!”.
Trong ngày 22/6, ngoài các cuộc họp căng thẳng với bộ chính trị, Stalin đã lần lượt tiếp và làm việc với 29 cán bộ lãnh đạo cấp cao đảng, nhà nước, quân đội Liên Xô, trong đó có những người đến gặp 2-3 lần như Molotov, Voroshilov, Beria… Vị khách cuối cùng được Stalin tiếp là Đại tướng Zhukov, vào cuối giờ chiều. Stalin ra lệnh: "Các tư lệnh chiến trường của ta không đủ kinh nghiệm trong chỉ huy chiến đấu với các binh đoàn lớn của địch. Bộ Chính trị quyết định cử anh đến Phương diện quân Tây Nam với tư cách là đại diện Đại bản doanh. Anh hãy bay ngay đến Kiev rồi từ đó cùng Khrushev đi đến sở chỉ huy Phương diện quân".
Zhukov ra về. Stalin còn lại một mình làm việc tại văn phòng ở Kremlin cho đến tận 12 giờ khuya mới đi nghỉ, để rồi đến 3h20 ngày 23/6 đã thức dậy tiếp Molotov, Voroshilov, Beria, Timoshenko… lần lượt đến báo cáo tình hình và xin ý kiến chỉ đạo, bắt đầu một ngày làm việc căng thẳng mới.
Nguyên Phong