Thiếu trách nhiệm bảo vệ rừng

Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk vừa có Kết luận về việc chấp hành pháp luật về đất đai và thực hiện dự án đầu tư trồng cao su và quản lý, bảo vệ rừng tại xã la Jlơi, huyện Ea Súp của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát (gọi tắt là Công ty Hoàng Gia Phát).

Theo kết luận thanh tra, mặc dù đã được UBND tỉnh giao 977,36 ha đất rừng để triển khai dự án đầu tư trồng cao su và quản lý bảo vệ rừng, nhưng sau 10 năm thực hiện, Công ty Hoàng Gia Phát đã để mất 396ha rừng tự nhiên tại tiểu khu 138, xã la Jlơi, huyện Ea Súp.

W-mat-rung-1-2.jpg
Sau 10 năm triển khai dự án trồng cao su và quản lý bảo vệ rừng, Công ty Hoàng Gia Phát đã để mất gần 400ha đất rừng. (Ảnh: Trần Hoàn)

Theo kết luận thanh tra, ngoài nguyên nhân khách quan do có gần 100 hộ gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số trú tại xã la Le, huyện Chư Pứh (tỉnh Gia Lai) xâm canh, lấn chiếm đất dự án để sản xuất nông nghiệp, thì nguyên nhân chủ quan vẫn thuộc về Công ty Hoàng Gia Phát.

Kiểm tra cho thấy, Công ty Hoàng Gia Phát chưa thành lập lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, chưa cập nhật diễn biến rừng, chưa xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và lập thủ tục thuê rừng theo quy định.

Công ty Hoàng Gia Phát cũng chưa thiết lập hồ sơ vi phạm đối với các vụ việc lấn chiếm, sử dụng trái phép đất dự án để chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật; chưa có giải pháp phù hợp để ngăn chặn hành vi vi phạm, lập phương án giải tỏa, thu hồi lại đất lấn chiếm để đưa vào quản lý, thực hiện dự án đã được phê duyệt.

Ngoài ra, mặc dù phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đã hết hiệu lực vào tháng 3/2016, nhưng Công ty Hoàng Gia Phát không xây dựng lại phương án phòng cháy, chữa cháy rừng để trình Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk thẩm định, phê duyệt.

W-mat-rung-2-1.jpg
Do Công ty Hoàng Gia Phát thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng, dẫn đến việc người dân lấn chiếm đất dự án để trồng mì. (Ảnh: Trần Hoàn)

Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, cho biết, theo quy định, Công ty Hoàng Gia Phát phải thành lập lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, có phương án bảo vệ rừng bền vững. Chi cục đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện theo quy định nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.

Ông Hưng nhấn mạnh, để mất rừng trước hết là trách nhiệm của doanh nghiệp; sau khi thanh tra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị thu hồi dự án.

Thận trọng nên không mất trắng 

Theo ông Nguyễn Quốc Hưng, việc triển khai dự án của Hoàng Gia Phát nói riêng cũng như các dự án trồng cao su trên địa bàn huyện Ea Súp nói chung là theo chủ trương vừa quản lý, bảo vệ rừng vừa trồng cao su của Chính phủ và Bộ NN-PTNT.

Khi xây dựng dự án, có hội đồng thẩm định của tỉnh giao Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp các sở, ngành chính quyền cấp huyện thẩm định, đảm bảo các tiêu chí mới trình UBND tỉnh cho chủ trương thuê đất, thuê rừng để triển khai.

“Mặc dù dự án đã được thẩm định và phê duyệt, nhưng Sở NN-PTNT vẫn thận trọng trình lãnh đạo tỉnh cho phép thực hiện thí điểm 100ha để đánh giá, nếu thành công thì triển khai tiếp, trong thời gian này doanh nghiệp phải quản lý, bảo vệ rừng. Nhờ vậy mà đất vẫn còn, chứ cho triển khai toàn bộ như một số địa phương khác thì nguy hiểm nữa”, ông Nguyễn Quốc Hưng nói.

W-mat-rung-3-1.jpg
Hoàng Gia Phát cũng chưa thiết lập hồ sơ vi phạm đối với các vụ việc lấn chiếm, sử dụng trái phép đất dự án để chuyển cơ quan chức năng,... (Ảnh: Trần Hoàn)

Theo Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, ban đầu các doanh nghiệp phản ứng rất mạnh. Họ cho rằng, dự án trồng cao su chứ không phải để quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, quan điểm của Sở NN-PTNT vẫn kiên quyết chỉ cho trồng thí điểm, tại những diện tích có trữ lượng dưới 100 khối gỗ/ha mới cho chuyển đổi trồng cao su, còn lại thì quản lý và bảo vệ rừng.

Ông Nguyễn Quốc Hưng cũng cho hay, hàng năm đoàn liên ngành đi kiểm tra đánh giá, tuy nhiên có trên 60 dự án nên không kiểm tra được hết, những đơn vị nào không kiểm tra được thì yêu cầu báo cáo. Quá trình kiểm tra, phát hiện Công ty Hoàng Gia Phát để mất rừng nên Chi cục đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường vào cuộc.

“Doanh nghiệp đang có tờ trình xin tiếp tục thu hồi lại diện tích mà dân lấn chiếm để thực hiện dự án trồng rừng và phục hồi rừng, không trồng cao su nữa. Tuy nhiên, nếu được UBND tỉnh đồng ý thì phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ, ra điều kiện về thời gian phục hồi rừng”, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk khẳng định.