Theo Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản”, một trong những nhiệm vụ và giải pháp đề ra là thiết kế kiến trúc dữ liệu cho hệ thống thông tin thị trường nông sản đảm bảo thống nhất, đồng bộ, có khả năng liên thông, kết nối, chia sẻ để nâng cao hiệu quả hoạt động trong thu thập thông tin, dữ liệu, phân tích và dự báo thị trường nông sản.

Đảm bảo hệ thống thông tin thị trường nông sản được tích hợp trong tổng thể hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành nền tảng phục vụ chuyển đổi số của ngành nông nghiệp, phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.

vnpt aims dong hanh chuyen doi so cung nganh nong nghiep.jpg
VNPT AIMS cung cấp những giải pháp thông tin hiện đại và tin cậy để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững. (Ảnh: VNPT)

Nông nghiệp đóng góp lớn vào nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội cho hàng triệu người dân Việt Nam. Trong ngành này, thông tin không chỉ quan trọng cho nhà nông mà còn cho các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu. Thông tin không chính xác có thể dẫn đến những quyết định sai lầm và thiếu hiệu quả trong quản lý, sản xuất và tiêu thụ nông sản, thủy hải sản.

Tuy nhiên, thông tin ngành nông nghiệp đang bị phân tán trên nhiều nguồn khác nhau, gây khó khăn cho người dùng trong việc tiếp cận và tìm kiếm, cản trở quá trình trao đổi thông tin, giao lưu kinh nghiệm và cập nhật xu hướng mới trong ngành. Thêm vào đó, dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi sản xuất, đứt gãy thị trường, đứt gãy thông tin, cùng với thực trạng sản xuất manh mún nhỏ lẻ, thông tin số liệu cập nhật không kịp thời, gây khó khăn tới sự chỉ đạo điều hành chung của Chính phủ, của Bộ ngành, địa phương…

Thực trạng này đặt ra  yêu cầu cấp thiết là xây dựng một hệ thống thông tin chuyên ngành cho lĩnh vực Nông nghiệp, qua đó cung cấp thông tin chính xác và kịp thời về sản xuất nông nghiệp, kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây trồng, phòng chống dịch bệnh và sâu bệnh, quản lý tài chính, thị trường và tiếp cận nguồn vốn; hỗ trợ quyết định và định hướng phát triển ngành nông nghiệp thông qua việc phân tích và cung cấp dữ liệu thống kê, dự đoán xu hướng thị trường.

Đồng thời, hệ thống cũng giúp tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, chuyên gia và nhà quản lý trong trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức và tạo ra giải pháp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp. Không chỉ vậy, nó còn góp phần nâng cao chất lượng và giá trị của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế thông qua việc cung cấp thông tin về chứng nhận sản phẩm, quy trình sản xuất và các tiêu chuẩn chất lượng.

Thấu hiểu tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) dựa trên nền tảng số trong nông nghiệp đáng tin cậy và hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với Tập đoàn VNPT nhằm huy động các nguồn lực tổng hợp, triển khai đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Trong đó, VNPT AIMS là hệ thống quản lý thông tin ngành nông nghiệp do Tập đoàn VNPT nghiên cứu và phát triển, đáp ứng yêu cầu quản lý toàn diện tất cả các lĩnh vực trong ngành nông nghiệp, cung cấp những giải pháp thông tin hiện đại và tin cậy để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững.

Dữ liệu trên hệ thống VNPT AIMS được đồng bộ liên tục, kết nối trực tiếp với các hệ thống quản lý chuyên ngành, trung tâm giám sát điều hành ngành nông nghiệp, giúp cơ quan quản lý giảm bớt thời gian thu thập, báo cáo, thống kê số liệu của ngành theo từng lĩnh vực, hỗ trợ ra quyết định kịp thời và chính xác.

Thông qua VNPT AIMS, các Bộ ban ngành liên quan có thể quản lý toàn diện tất cả các lĩnh vực ngành nông nghiệp, đánh giá được tình hình quản lý và nắm được các thông tin chính xác về cây trồng, vật nuôi, thủy sản, dịch bệnh, kỹ thuật, sản xuất, mùa vụ,... một cách tổng quan, từ đó đưa ra những định hướng để đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp.

Hơn nữa, VNPT AIMS góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi số ngành nông nghiệp và tích hợp cơ sở dữ liệu dùng chung về chuyển đổi số của tỉnh/thành phố, thúc đẩy doanh nghiệp và người dân tham gia các hoạt động trong nông nghiệp toàn diện, tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất.

Được phát triển trên cả ứng dụng web và di động, người dân có thể dễ dàng khai thác các thông tin đa lĩnh vực trong ngành nông nghiệp, tiết kiệm thời gian và cắt giảm giấy tờ trong quá trình làm việc. Bên cạnh đó, người dân còn được hỗ trợ thông qua các buổi tập huấn, tư vấn trực tuyến và tài liệu từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp.